Trình độ cán bộ cơ sở được nâng lên nhờ chương trình 135

Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, 354 huyện, 1.946 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 1.140 xã khu vực II. Do địa bàn tổ chức thực hiện Chương trình là những nơi nghèo nhất, khó khăn nhất của đất nước nên một điều dễ hiểu là trình độ cán bộ cũng rất thấp. Trong khi đó, cán bộ lại là gốc của công việc.

Vì vậy, trong Chương trình 135 đã thiết kế Hợp phần nâng cao năng lực là một phần quan trọng của Chương trình. Hợp phần này nhằm tập trung nâng cao trình độ cho các nhóm mục tiêu: Đối với cán bộ chủ chốt của xã được tập huấn các nội dung về tổ chức và thực hiện các chính sách dành cho dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước; năng lực thực hiện Chương trình; quản lý xây dựng và đầu tư; giám sát và kiểm tra dự án tại xã. Đối với cán bộ chuyên môn tại Uỷ ban nhân dân xã được tập huấn về các kỹ năng, kỹ thuật và kiến thức cơ bản. Đối với cán bộ thôn, bản, được tập huấn về quản lý kiến thức và kỹ năng, giải quyết các vấn đề hành chính tại thôn bản, kiến thức về giám sát đầu tư, lập kế hoạch sản xuất và xây dựng, truyền thông và tổ chức người dân tham gia vào thiết kế cơ sở hạ tầng, chuyển giao và sử dụng. Đối với cộng đồng được tăng cường năng lực để tham gia tích cực vào các kế hoạch chuẩn bị xây dựng và sản xuất, giám sát dự án đầu tư xây dựng và phát triển sản xuất, giám sát việc sử dụng đất, vệ sinh và bảo vệ môi trường, chống phá rừng, cải thiện năng lực trong quản lý kinh tế gia đình, nâng cao hiểu biết về pháp luật trong cộng đồng. Hợp phần cũng đào tạo bồi dưỡng cho học sinh tốt nghiệp phổ thông ở các trường dạy nghề để làm việc trong các trang trại nông-lâm nghiệp, công trường xây dựng hay chuẩn bị cho xuất khẩu lao động.

Thực hiện Hợp phần đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, ủy ban Dân tộc đã hướng dẫn các địa phương về kế hoạch, nội dung, đối tượng, hình thức đào tạo và biên soạn bộ tài liệu khung đào tạo Chương trình 135 làm cơ sở để địa phương cụ thể hóa nội dung đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Các địa phương đã rà soát, xác định 4.350 cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện; 218.394 cán bộ cấp xã, thôn bản; 386.980 lượt người dân có nhu cầu cần được đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn 2006 - 2010; với kế hoạch vốn khoảng 750 tỷ đồng.

Cho đến nay, Uỷ ban Dân tộc đã tập huấn cho 3.500 lượt cán bộ từ tỉnh đến huyện tham gia quản lý, chỉ đạo Chương trình 135. Các địa phương đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý hành chính, kinh tế, quản lý dự án, giám sát các dự án của chương trình cho 178.000 lượt cán bộ xã, thôn, bản; đào tạo, tập huấn cho 279.793 lượt người dân về các nội dung của Chương trình 135, về tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng, kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp xã là thành phần chủ chốt triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn nên phương pháp đào tạo, cách thức tiếp cận với các nhóm đối tượng luôn được thay đổi linh hoạt, phù hợp với trình độ của từng nhóm cán bộ cấp xã. Thông qua đào tạo, cán bộ xã được học các kiến thức về cơ chế quản lý Chương trình 135 giai đoạn II, cách thức quản lý các dự án đầu tư, giám sát công trình, các phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, những vấn đề về quyền hạn và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đánh giá báo cáo tổng hợp thanh quyết toán công trình... Để nâng cao hiệu quả đào tạo, một số địa phương đã tổ chức đào tạo theo hình thức vừa học lý thuyết vừa tổ chức cho học viên đi tham quan thực tế, học hỏi những mô hình hay, sáng tạo của địa phương khác. Qua đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao một bước về trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia quản lý và thực hiện Chương trình dẫn đến kết quả là đã có 65,7% số xã được giao làm chủ đầu tư dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trên 84% số xã được giao làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất. Nhờ phân cấp, trao quyền mạnh cho cơ sở, nhiều địa phương đã lựa chọn được mô hình, phương thức thực hiện các dự án, chính sách của Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời đã phát huy được sức mạnh từ người dân và các tổ chức đoàn thể, xã hội dưới sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã được đánh giá là thực hiện thành công và là tiền đề để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng, dự án xoá đói giảm nghèo... thực hiện trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhờ trình độ cán bộ được nâng lên nên phương pháp tuyên truyền, vận động đối với nhân dân đạt hiệu quả cao hơn, giúp người dân hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước và nội dung Chương trình 135, tích cực tham gia thực hiện và giám sát các hoạt động của Chương trình với chất lượng ngày càng cao hơn. Gắn với đó, nhận thức của cộng đồng và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo. Tựu chung lại, thông qua trình độ cán bộ và cộng đồng được nâng lên đã tạo ra bầu không khí thực hiện quyền làm chủ đầu tư và dân chủ cấp cơ sở ngày càng tốt hơn.

Phương Liên
(Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành