Vì tương lai con em dân tộc thiểu số
Hơn 60 tỷ đồng là số tiền được đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau. Đây là ngôi trường phổ thông có diện tích rộng nhất và có vốn đầu tư xây dựng lớn nhất so với các trường phổ thông trong tỉnh từ trước đến nay.
Ông Ngô Trìu Mến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau cho biết: “Trường Phổ thông dân tộc nội trú đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009. Quy mô xây dựng gồm: nhà học 3 tầng, nhà chức năng, hiệu bộ 3 tầng, khu nhà ở 3 tầng và các công trình phụ với số vốn đầu tư trên 32 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đã được tiến hành với nguồn vốn hơn 32 tỷ đồng, trong đó tiếp tục xây dựng nhà học 3 tầng, ký túc xá 3 tầng, nhà đa năng 3 tầng và các công trình khác phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí cho học sinh khép kín trong khuôn viên nhà trường. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, trường sẽ có sức chứa từ 450-500 học sinh học tập nội trú tại trường”.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cà Mau-Tạ Quang Quyền cho biết: “Học sinh không phải đóng một khoản tiền nào. Ngoài ra, các em còn được nhà trường hỗ trợ sách giáo khoa, văn phòng phẩm, đồng phục và tiền ăn ở hằng tháng khoảng 584.000 đồng/em. Năm học 2010-2011 này trường có 11 lớp với khoảng 385 học sinh từ khối 10-12”.
Ngoài Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, tỉnh còn có 2 trường dành cho con em đồng bào dân tộc. Đó là Trường Phổ thông Dân tộc Danh Thị Tươi, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời và Trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Các trường này đều dạy song ngữ tiếng Việt và tiếng Khmer từ năm 2002.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc và các trường công lập đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.
Tính đến đầu năm 2010 tỉnh đã thực hiện chính sách cử tuyển đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với 214 em dân tộc thiểu số. Trong đó có 1 em dân tộc Mường, số còn lại là dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và Đầm Dơi.
Theo đồng chí Lê Quang Hảo, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và bồi dưỡng cán bộ thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau, trong số học sinh được cử tuyển trên đã có gần 100 em tốt nghiệp, hiện còn 131 em đang học. Học sinh được cử tuyển không phải đóng tiền học mà còn được trợ cấp tiền ăn, ở, sinh hoạt hằng tháng. Được biết, năm học 2009-2010 kinh phí chi trả cho các trường có đào tạo sinh viên cử tuyển của tỉnh hơn 462 triệu đồng.
Nhờ thực hiện chính sách cử tuyển và đầu tư xây dựng trường lớp, hỗ trợ điều kiện học hành, nguồn nhân lực là người dân tộc được đào tạo ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xuân Đào
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 82/2010)
[TT: H.T.N]