Sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai Chương trình 135
Trong 5 năm tới 2016 - 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội cho phép triển khai thực hiện Chương trình 135 trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Huỳnh
Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chất vấn: Theo Quyết định số 551/QĐ-TTg,
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 (giai đoạn III) quy định mức đầu
tư giai đoạn 2014-2015 cao hơn 1,5 lần so với định mức đầu tư 2013. Thế nhưng
qua hơn một năm triển khai thực hiện chương trình thì mức kinh phí Trung ương hỗ
trợ cho các địa phương vẫn theo định mức năm 2013, trong khi chỉ còn vài tháng
nữa (cuối 2015) là năm tổng kết chương trình. Vì vậy, việc đánh giá xét hoàn
thành mục tiêu là rất khó khăn.
Trong báo cáo của Chính phủ có nêu vấn đề này nhưng lại chưa
nêu rõ nguyên nhân cũng như chưa đưa ra các giải pháp. Hơn nữa, việc quy định
một chương trình lớn mà thời gian triển khai thực hiện rất ngắn (2 năm) chưa đảm
bảo tính bền vững của chính sách đầu tư.
Về nội dung chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời như
sau:
Theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng
Chính phủ định mức vốn đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn III được quy
định như sau: Năm 2012 và 2013 thực hiện theo định mức và vốn đã được phân bổ;
năm 2014 và 2015, tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013; các năm tiếp theo
bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong các năm gần đây cân đối ngân sách nhà nước
gặp rất nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, chi đầu tư phát triển kế hoạch
năm 2014 giảm 7% so với năm 2013 trong khi đó các năm trước đều tăng, do vậy
nhiều chương trình, trong đó có Chương trình 135 giai đoạn III không cân đối đủ
nguồn lực để áp dụng định mức mới.
Mặc dù vậy, trong điều hành Chính phủ luôn ưu tiên cân đối bố
trí đủ nguồn cho các xã mới của chương trình (trong năm 2014 Chính phủ đã trình
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thêm 750 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm
chi ngân sách nhà nước năm 2013).
Như vậy, Chương trình 135 đã được Chính phủ hết sức quan tâm,
mức vốn bố trí cho chương trình trong tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước là rất
lớn (giai đoạn 2003-2015, ngân sách nhà nước giao 31.065 tỷ đồng, trong đó vốn
đầu tư phát triển là 25.317 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.617 tỷ đồng, chưa bao
gồm các khoản bổ sung trong năm).
Trong từng giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đều quy định các
mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Kết thúc từng giai đoạn đều tổ chức đánh giá kết quả
thực hiện chương trình. Tuy không thể bố trí đủ kinh phí để thực hiện theo định
mức hỗ trợ cao hơn so với năm 2013 nhưng toàn bộ các xã, thôn, bản đặc biệt khó
khăn bổ sung mới trong năm 2014 đều được ngân sách Trung ương hỗ trợ; điều này
thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo
Để hạn chế việc ban hành chính sách nhưng không bố trí đủ
nguồn lực thực hiện, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết, theo đó
chỉ ban hành chính sách mới khi đã xác định và cân đối được nguồn.
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát các chính
sách đã ban hành, sắp xếp thứ tự ưu tiên để tập trung bố trí, giải quyết dứt
điểm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách. Trong 5 năm tới 2016-2020,
Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội cho phép triển khai thực hiện Chương
trình 135 trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.