Chương trình 135 giai đoạn II ở Quảng Nam: Nâng cao năng lực cán bộ nhiệm vụ hàng đầu...
Sau 7 năm thực hiện chương trình 135 (CT) giai đoạn I, Quảng Nam đã rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm quí báu để áp dụng vào quá trình thực hiện CT 135 giai đoạn II (2006-2010). Theo ông Lê Ngọc Ánh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án thuộc CT 135.
Do vậy, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện CT 135 giai đoạn II, Ban chỉ đạo CT 135 của tỉnh Quảng Nam đã xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Từ năm 2006 đến nay, với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng Quảng Nam đã mở được hàng chục lớp tập huấn, với những nội dung chủ yếu: cơ chế quản lý chương trình 135 giai đoạn II; cách thức quản lý các dự án đầu tư; giám sát công trình; Phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; những vẫn đề cơ bản về quyền hạn và nghĩa vụ của chủ đầu tư; đánh giá, báo cáo tổng hợp, thanh quyết toán công trình, kinh tế trang trại, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt các loại cây nông nghiệp, thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở....với hơn 2.000 học viên tham dự. Các đối tượng được đào tạo gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, kế toán UBND xã, các trưởng thôn, trưởng bản, các già làng có uy tín, cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể... Nhiều học viên đã được Ban Chỉ đạo Chương trình tặng bằng khen, tiền thưởng vì đã có nhiều sáng kiến đóng góp cho lớp học, có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập...
Sau mỗi lớp tập huấn kéo dài từ 10-15 ngày, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận đã qua chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ cơ sở thuộc CT 135 giai đoạn II.
Để giúp các học viên có điều kiện tiếp thu tối đa những kiến thức đã học trong quá trình tập huấn, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã cho ra đời cuốn sách “Hướng dẫn thực hiện Chương trình 135” làm tài liệu “cẩm nang” cho các cấp, các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện chương trình.
Để chương trình đào tạo phù hợp với trình độ, kiến thức của các học viên, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CT 135 giai đoạn II) đã tổ chức đào tạo theo hình thức vừa học lý thuyết vừa tổ chức cho các học viên đi thực tế, tham quan các mô hình nông dân sản xuất giỏi ở trong và ngoài tỉnh, như: tổ chức tham quan, học tập mô hình nuôi cá nước ngọt tại huyện Phú Ninh, mô hình kinh tế trang trại tại xã Tam Trà huyện Núi Thành, tham quan nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải tại Khu Kinh tế mở Chu Lai... Cách đào tạo này đã đem lại hiệu quả, chất lượng rõ rệt cho đội ngũ cán bộ xã trong quá trình thực hiện các công trình, dự án của CT 135, nhiều cán bộ sau khi học xong đã áp dụng những kiến thức đã học vào công việc và trong gia đình.
A Lăng Láy, một trong những học viên lớp tập huấn của CT 135 giai đoạn II do huyện Tây Giang tổ chức hiện đang là cán bộ xã A Nông, huyện Tây Giang hồ hởi nói với chúng: “Có được học mới thấy mình còn nhiều điều chưa biết, chưa hiểu. Nhờ mấy chú cán bộ của tỉnh, huyện về giảng giải, hướng dẫn cho, tôi mới vỡ ra nhiều, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng cơ bản, các qui trình, thủ tục thanh quyết toán, việc tổ chức thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở... Chắc chắn, thông qua những lớp tập huấn như thế này, thời gian tới cán bộ xã A Nông chúng tôi sẽ có đủ năng lực, trình độ làm chủ đầu tư các công trình 135 và tiến hành giám sát các công trình đầu tư xây dựng cơ bản đúng qui trình, qui định. Trên cở sở đó chúng tôi sẽ huy động tối đa được nguồn lực của thôn, xã để mọi người dân tích cực tham gia xây dựng các công trình...”.
Có thể khẳng định rằng, dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã là một trong những dự án đầu tư trực tiếp cho con người, giúp cho đội ngũ cán bộ xã có đủ năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; biết cách tổ chức thực hiện, điều hành các dự án, đặc biệt là khi xã đứng ra làm chủ đầu tư và tổ chức giám sát, sử dụng bảo dưỡng các công trình. đặc biệt cái được lớn nhất mà Chương trình đạt được đó là thông qua các lớp tập huấn, đào tạo này, người dân trong vùng có điều kiện nâng cao dân trí, sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực.
Bài và ảnh: Hoàng Thanh