“Được mùa” ở Đồng Lạc

Trong một chiều đầu đông, chúng tôi có dịp đến xã 135 Đồng Lạc. (thuộc huyện Yên Lập, Phú Thọ). Con đường 330 nối Yên Lập với huyện Thanh Sơn được trải nhựa êm ru. Hai bên đường, rừng bạch đàn, keo, quế, tre... xanh ngút mắt. Thấp thoáng trên những sườn núi là những nếp nhà của các trang trại như những chấm vàng, chấm bạc bồng bềnh trong sương sớm. Dưới thung lũng, sắc xanh của lúa, của ngô cũng bời bời. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự trù phú của Yên Lập.

Anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ Dự án 135 của huyện đi cùng chúng tôi vui vẻ cho biết: Về Đồng Lạc lần này tha hồ cái để viết. Nói rồi anh đưa ra một loạt dẫn chứng: Như công tác xây dựng Đảng chẳng hạn, không còn khu dân cư trắng chi bộ nữa. Hay như mô hình Hợp tác xã tín dụng, mô hình trang trại cũng “oách” lắm. Đặc biệt, hôm nay các bạn sẽ được “bám ruộng lội đồng” với đội ngũ cán bộ xã Đồng Lạc. “Là sao?” Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại. Anh kể: Hằng tháng, ở địa phương này có lịch đi thăm đồng của các cán bộ lãnh đạo xã, trực tiếp chỉ đạo sản xuất. Từ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã đến các ban, ngành, đoàn thể, rồi khuyến nông, bí thư chi bộ, trưởng thôn chia dây, chia cụm ra mà “bám đội, lội đồng”. Không “phán” như trước kia nữa mà bây giờ là chỉ đạo, kịp thời ứng phó với những bất trắc xảy ra. Nếu không làm theo cách này thì vụ chiêm xuân vừa qua dễ gì đã có lúa gặt. Đấy các bạn xem, ruộng ở đây tốt thế kia cơ mà!.

Theo tay anh Nam chỉ, tôi thả tầm mắt quan sát cánh đồng. Không bao la như đồng bằng, ruộng đồng ở đây bám theo các thung lũng.

Nào lúa, nào ngô, nào rau màu... vẽ nên bức tranh với gam màu xanh làm chủ đạo. Đang vào vụ mới, nên không khí trên những cánh đồng khá rộn ràng. Người, trâu, xe cải tiến, gồng gánh, máy cày nhộn nhịp. Chúng tôi háo hức chạy xe nhanh hơn về trụ sở xã để kịp thăm đồng cùng các anh ở xã như lời giới thiệu. Vậy mà, khi đến nơi thì các đoàn thăm đồng đều đã về. Anh Vũ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi: “Chúng tôi phải đi sớm, về sớm, kịp tổng hợp kết quả cho Bí thư Đảng uỷ để trao đổi và rút kinh nghiệm với bí thư các chi bộ. Hôm nay là phiên giao ban các chi bộ mà.” Rồi anh đọc vanh vách những số liệu mà chúng tôi cần. Vụ chiêm xuân này, Đồng Lạc cấy 150,4ha, vượt 2,4 ha theo kế hoạch. Thực thu 136,44ha, tụt mất 13,96 ha do đợt mưa lũ ngày 4 tháng 5 vừa qua. Năng suất sơ bộ theo đánh giá của các đoàn đạt khoảng 46,4tạ/ha, tương đương các vụ trước. Thậm chí, có khu vực còn vượt xa năng suất năm ngoái. Tính bình quân đầu người đạt 124kg/thóc/người/vụ. Nếu tính cả ngô 78 tấn nữa thì mỗi người có thêm 125kg nữa đấy. Kể ra, so với mọi năm thì con số này chưa nói lên được điều gì. Song, nếu nhớ lại hồi đầu năm rét như thế, lúa chết sạch sành sanh như thế, mạ, giống không còn dảnh nào, cân nào thì mới thấy cái được của vụ này.

Niềm vui được mùa hoà cùng niềm vui con em họ được ngồi học trong những ngôi trường mái ngói đỏ tươi, được làm từ nguồn vốn Chương trình 135, thay thế những lớp học xiêu vẹo lợp bằng lá cọ khi xưa. Thầy Nguyễn Văn Khôi, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lạc cho biết: Năm 2002 và 2003, trường được xây mới lớp học và nhà điều hành bằng nguồn 135, chất lượng dạy và học được nâng lên rất nhiều. Tình trạng học sinh bỏ học không còn, tỷ lệ lên lớp đạt 93%. Vì thế, việc thực hiện Cuộc vận động “2 không” nói không với tiêu cực và bệnh thành tích cũng được chú trọng hơn. Chị Đinh Thị Lan, một người dân ở thôn 2 vui vẻ nói: Nhờ có Chương trình 135, người dân chúng tôi vui mừng vì có đường mới, ô tô về tận thôn, điện về tận nhà, nhất là điểm bưu điện văn hoá xã và trạm y tế đã được xây dựng ngay tại địa phương. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cũng được chú trọng hơn.

Để có được những thay đổi đó, là nhờ hiệu quả Chương trình 135 và sự lãnh đạo sâu sát của Đảng uỷ, UBND xã và các hội, đoàn thể. Công tác xây dựng triển khai kế hoạch phù hợp, kịp thời, kiên quyết... Phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền...

Bằng Giang

 In bài viết
Văn bản điều hành