Minh Hoá: chuyển mình từ chương trình 135

Huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có 12 xã với 108 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn và 6 thôn thuộc xã vùng II được hưởng đầu tư từ Chương trình 135. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, Ban Chỉ đạo Chương trình 135 của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của Chương trình đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, nhằm tạo sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của người dân.

Qua đó, các công trình, dự án triển khai đều được nhân dân tham gia góp ý trong việc lựa chọn thứ tự ưu tiên, mức hỗ trợ đầu tư và đối tượng hưởng lợi để đưa vào thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Sau 5 năm triển khai, Chương trình 135 đã tạo nên diện mạo mới cho các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Cùng với việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến xóa đói giảm nghèo, những kết quả đạt được từ việc triển khai Chương trình 135 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 61,3% năm 2006 xuống 35,56% năm 2010, bình quân giảm 5,58%/năm.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện Minh Hóa cho biết: tổng nguồn vốn Chương trình 135 được đầu tư trên địa bàn huyện Minh Hóa từ năm 2006 đến nay là trên 83 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã dành phần lớn nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xác định đầu tư sản xuất là nền tảng cho mục tiêu phát triển bền vững ở các xã đặc biệt khó khăn, Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cộng đồng cũng như hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 đã tạo điều kiện cho 1.487 người tham gia 35 lớp học tập về các nội dung chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, khuyến lâm; Chương trình cũng đã hỗ trợ các hộ dân vốn và kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống với 13.592 kg giống lúa, 90.127 kg giống ngô, 25.086 cây cao su, 100.239 cây keo, 138 con bò, 1.632 con lợn... Ngoài ra, để hỗ trợ thiết thực cho người nông dân trong sản xuất, Chương trình cũng đã đầu tư hỗ trợ về vật tư sản xuất với 133.173 kg phân bón và các trang thiết bị máy móc, công cụ sản xuất... Từ nguồn vốn Chương trình, Minh Hóa đã triển khai các loại giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan. Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cũng như tính bền vững trong công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân, huyện đã kết hợp nhiều chương trình, dự án về khuyến nông, xây dựng mô hình thâm canh các loại cây trồng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2009, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 5.303,5 ha, sản lượng lương thực 9.483,71 tấn, tăng 31,8% so với năm 2005. Bình quân lương thực đạt 200,8 kg/người/năm, tăng 57,5% so với năm 2005. Đến năm 2010, tổng đàn gia súc đạt 45.000 con, tăng 37,7% so với năm 2006. Công tác giao đất, giao rừng ngày càng được chú trọng, đến nay, huyện đã giao 20.957,9 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, đạt 56,25% tổng diện tích đất rừng sản xuất.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện cũng đã triển khai công tác trợ giúp pháp lý cho người dân ở 86 thôn của 15 xã bằng nhiều hình thức; hỗ trợ 2.153 học sinh mẫu giáo, 2.798 học sinh tiểu học, 2.075 học sinh THCS thuộc diện hộ nghèo các loại dụng cụ học tập, trợ cấp gạo... Huyện cũng triển khai nhiều biện pháp giúp người dân vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tri thức thông qua báo, đài. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí của người dân và tỷ lệ huy động học sinh đến trường đúng độ tuổi. Mạng lưới trường lớp từng bước được mở rộng với cơ cấu hợp lý. Chất lượng dạy và học của các bậc học có nhiều tiến bộ. Toàn huyện có 10/15 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 14/15 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đạt 93,7%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn. Chương trình 135 đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt 12,6%; giá trị sản xuất đến năm 2010 đạt 164,500 triệu đồng, tăng 17,5%. Đã có 11/16 xã của huyện có đường ô tô thông xe 4 mùa, 37 công trình đập thuỷ lợi kiên cố và 25.013m kênh mương đã bê tông hóa. Mạng lưới điện Quốc gia về đến tất cả các xã, số hộ dùng điện sinh hoạt đạt 95%, trong đó 93% số hộ xem được truyền hình. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư với 10/15 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 13/15 xã có trạm phát thanh, mạng lưới điện thoại được phủ sóng 15/15 xã... Nhờ Chương trình 135, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Minh Hóa đã thực sự chuyển mình.

Nguyễn Quang
Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)

[TT: H.T.N

 In bài viết
Văn bản điều hành