Mường Lựm vượt khó đi lên
Những năm qua, cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã Mường Lựm (Yên Châu - Sơn La) đã tập trung phát huy nội lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Xã Mường Lựm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, khoanh nuôi bảo vệ rừng và thâm canh lúa. Đến nay, đàn trâu, bò của xã đạt gần 2.000 con, bà con chuyển dần từ hình thức thả rông sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại hoặc nhóm hộ để dễ quản lý, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Nghề rừng được coi là thế mạnh, xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; ký hợp đồng với các chủ rừng, thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ trên 3.350ha rừng trên địa bàn.
Ngoài ra, xã còn quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng phương án nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích phát triển các cây, con phù hợp với điều kiện thực tế của từng bản.
Nhờ có kế hoạch phát triển cụ thể, Mường Lựm trở thành địa phương có năng suất lúa và ngô cao nhất huyện; bà con đã chuyển gần hết diện tích lúa nương sang trồng ngô lai, với 375ha, năng suất 70 tạ/ha, sản lượng 2.600 tấn; gần 45ha lúa chiêm xuân, 94,5ha lúa mùa, bình quân 60 tạ/ha, bình quân lương thực 1.350kg/năm.
Ông Lò Đức Tiến, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã cho biết: “Số hộ nghèo của xã chủ yếu tập trung ở 4 bản vùng cao thuộc Chương trình 135. Từ năm 2007 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, xã đã huy động nhân dân đóng góp công lao động mở mới, tu sửa hệ thống đường giao thông, xây dựng công trình nước sinh hoạt và thực hiện hỗ trợ sản xuất, đào tạo cán bộ thôn bản, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ và kỹ thuật canh tác.
Với mục tiêu giữ vững ổn định và tăng trưởng kinh tế, Mường Lựm đang có những bước đi hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngọc Thuấn
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 10/2009)
[TT: H.T.N]