Tân Long vươn lên thoát nghèo
Tân Long nằm ở phía Bắc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, là xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Xã có 9 xóm bản với 1.174 hộ dân/hơn 5.500 khẩu, bao gồm 8 dân tộc anh em sinh sống (Kinh, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao, Mông, Tày), trong đó đông nhất là dân tộc Nùng.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sống quần tụ theo địa giới từng xóm, bản như: xóm Lân Quan toàn đồng bào dân tộc Mông; xóm Hồng Phong toàn người Dao... Kinh tế ở Tân Long độc canh cây lúa, cây ngô, cây chè, nhưng sản xuất chỉ “nhờ trời” nên năng suất rất bấp bênh. Vì vậy, đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nghèo khổ, khó khăn. Cơ sở hạ tầng thấp kém.
Nhận thức được những khó khăn của xã nhà, những năm qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã Tân Long đã có nhiều cố gắng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi nên đến nay nhìn chung đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng lên đáng kể, người dân trong xã đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng cây lúa, cây ngô, cây chè, chăn nuôi… xóm, bản, làng quê đã dần khởi sắc.
Việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình 135; 134; các chính sách dân tộc khác như các chương trình: y tế, giáo dục, điện, giao thông, giao đất, giao rừng... luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền trong xã quan tâm chỉ đạo. Các năm trước và trong những tháng của năm 2009, đồng bào đã được hỗ trợ giống lúa, phân bón, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế hộ gia đình... Để giúp đồng bào có thêm kiến thức trồng cây lúa, cây ngô, chăn nuôi, xã đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng trăm người, xây dựng tổ chức thực hiện tốt các mô hình trình diễn, ô mẫu và triển khai các chương trình dự án đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình... Kết quả, năng suất lúa bình quân những tháng đầu năm 2009 đạt từ 47-50 tạ/ha; ngô 35 tạ/ha; năng suất chè tươi đạt 90% tạ/ha; đàn trâu tăng 80 con; đàn lợn tăng 690 con; đàn gia cầm tăng 2000 con và không xảy ra trường hợp dịch bệnh. Để tận dụng triệt để đất vườn, đất đồi, giúp đồng bào dân tộc nhanh chóng thoát nghèo, xã đã khuyến khích người dân tích cực trồng rừng, trồng cây ăn quả như vải, nhãn, chanh, dứa... bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Chỉ tiêu trong năm 2009, toàn xã phấn đấu trồng mới 05 ha và năng suất phải đạt 160 tấn trái cây ăn quả các loại.
Song song với công tác đầu tư và hướng dẫn đồng bào dân tộc biết cách sản xuất cây lúa nước, trồng cây ngô, cây chè và chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cái ăn; công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống đồng bào luôn được xã quan tâm đặc biệt. Với số vốn Nhà nước đầu tư 1,7 tỷ đồng và huy động công sức của nhân dân, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường nông thôn từ trung tâm xã đến 5 xóm miền núi cao, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông định cư những vẫn là nơi đặc biệt khó khăn nhất. Đồng thời cải tạo nâng cấp đường nông thôn liên thôn như xóm Đồng Mẫu, xóm Làng Mới. Đầu tư nâng cấp đường nông thôn nối trung tâm xã với huyện Đồng Hỷ. Đầu tư xây dựng lưới điện 0,4KW trên địa bàn toàn xã nên đến nay 100% hộ gia đình có điện thắp sáng. Trong năm 2009, xã đã và đang phấn đấu thực hiện nâng cấp, rải bê tông 2 km đường nông thôn, xây dựng 2 nhà văn hoá xóm bản, xây dựng khu trung tâm văn hoá và trường phổ thông cơ sở Sa Lung, các công trình thuỷ lợi, trạm bơm nước phục vụ sản xuất.
Về công tác y tế, Tân Long đã thực hiện “Đề án triển khai thực hiện chuẩn quốc gia về y tế”, đảm bảo tốt về công tác khám và chữa bệnh, cấp thuốc và chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngày một tốt hơn; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 25% năm 2009. Thực hiện tốt công tác giáo dục, nhất là không để các trẻ em người Mông ở vùng cao như xóm Mỏ Ba, xóm Lân Quan thất học. Đầu tư, nâng cấp hệ thống loa đài truyền thanh của xã và các xóm, bản hoạt động có nền nếp, hiệu quả, thông báo kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương tới tận người dân...
Nhìn chung, trong hơn 3 năm qua, từ (2006-2009), các chương trình cải tạo nông nghiệp, phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, y tế, giáo dục... đã mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mức thu nhập bình quân đầu người 1,5 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2010 đạt 2,5 triệu đồng/người/năm; hơn 25% số hộ đồng bào trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề ngắn hạn và có việc làm; trên 95% hộ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, chăn nuôi theo phương thức mới; 90% số hộ đồng bào có nhà vệ sinh; duy trì và bảo đảm 95% trẻ em đến độ tuổi đến lớp theo từng cấp học; trên 90% được xem truyền hình và 100% được nghe đài phát thành...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tân Long vẫn là xã vùng cao nghèo cần được đầu tư: Yêu cầu về nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt còn nhiều bức xúc; đất khô cằn kém màu mỡ, bên cạnh đó vốn đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng còn hạn chế, người dân lại sống phân tán nên cần có kế hoạch sắp xếp lại dân cư một cách hợp lý. Nếu từng bước giải quyết được những khó khăn đang đặt ra đối với Tân Long và với sự điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn xã, nhất định nơi đây sẽ thoát nghèo bền vững.
Dương Thế Quyền
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 10/2009)
[TT: H.T.N]