“Trỗi dậy” từ vùng đất nghèo khó

Từ mảnh đất cằn cỗi, cuộc sống khó khăn, phải nương nhờ vào sự trợ cấp của nhà nước, người dân Pác Nặm bằng sức trẻ đã “bật dậy” tìm đường thoát nghèo thành công.

Huyện Pác Nặm thuộc tỉnh Bắc Kạn, vốn là một trong 61 huyện nghèo của cả nước, đồng thời cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh với hơn 50% hộ gia đình thuộc diện nghèo. Kinh tế của Pác Nậm như một bức tranh đầy màu xám tưởng chừng khó có thể thay đổi, thế nhưng, không ít những công dân nơi đây với sức trẻ và nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh, đứng dậy làm kinh tế, trở thành những gương sáng điển hình, tô lên góc màu tươi sáng cho bức tranh vùng quê này.

Một trong những điểm sáng của “bức tranh” huyện Pác Nặm là chàng trai trẻ người Dao mang tên Triệu Văn Quang. Anh Quang sinh ra và lớn lên tại thôn Slam Vè, xã Nhạn Môn của huyện. Anh được nhắc đến như một tấm gương đầy bản lĩnh và nghị lực. Trước kia, như nhiều gia đình khác, cả nhà anh Quang đã phải sống trong cảnh nghèo khó, chạy ăn từng bữa. Gia đình anh cũng là một trong nhiều gia đình phải sống nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó cũng chỉ giúp được phần nào chứ không đưa được gia đình anh thoát khỏi cảnh luẩn quẩn của cái nghèo.

Anh Quang tâm sự, nghĩ về bản thân anh thấy mình là một thanh niên trai tráng mà phải dựa vào từng đồng trợ cấp hộ nghèo của nhà nước để sống qua ngày thì thật không đáng. Cảm thấy hổ thẹn với bản thân, anh quyết định từ bỏ lối sống thụ động, ỷ lại để tìm cho mình một lối đi, hòng mong muốn đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Do đất đai ở Pác Nặm không được màu mỡ nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Anh Quang cũng đã mày mò nhiều mô hình kinh tế để làm. Suốt thời gian dài, anh tìm kiếm những thông tin, tài liệu trên các sách, báo và tích cực tham gia các lớp tập huấn về phát triển dự án về các mô hình làm kinh tế. Sau nhiều thất bại, cuối cùng anh Quang cũng đã chọn được cho mình một mô hình phù hợp để làm đó là mô hình chăn nuôi gia súc. Anh chạy vạy vốn, bắt tay vào đầu tư chăn nuôi trâu bò. Đàn trâu bò của nhà anh lúc nào cũng duy trì được ở mức 30 con. Chỉ riêng việc bán thịt và bán những con nghé, con bê được sinh sản hàng năm cũng đã đem lại thu nhập cho gia đình anh đạt khoảng 50 triệu đồng. Đây là mức thu nhập “không tưởng” ở một huyện nghèo vốn nhiều gia đình phải sống nhờ vào sự trợ cấp. Làm kinh tế chẳng những giúp gia đình anh Quang thoát nghèo mà nhà anh còn có của ăn của để.

Không chỉ có anh Triệu Văn Quang, huyện nghèo Pác Nặm còn chứng kiến sự bứt lên thoát nghèo của nhiều thanh niên khác, trong đó có anh Lý Văn Dinh. Anh Dinh cũng là người dân tộc Dao ở xã Nghiêm Loan.

Cũng giống như anh Quang, anh Dinh đi lên từ một hộ rất nghèo của xã. Không cam chịu cuộc sống nghèo khó, anh Dinh đã nhiều năm trăn trở tìm hướng làm kinh tế. Sau những tháng ngày vất vả tìm tòi, nghiên cứu mô hình làm ăn, cuối cùng anh Dinh quyết định đầu tư vào trồng rừng. Do nhà nghèo không có tiền, anh Dinh đã ngược xuôi vay mượn, cuối cùng anh cũng có được một khoản tiền từ nguồn vốn vay và vốn hỗ trợ để đầu tư trồng 4ha rừng nguyên liệu. Do đầu tư đúng hướng và chăm chỉ, chịu khó làm lụng, chăm sóc mảnh rừng, sau 4 năm rừng đã mang lại thu nhập cho gia đình anh như một sự bù đắp cho những nỗ lực, cố gắng của anh.

Không chỉ mang lại lợi lộc về kinh tế, việc trồng rừngcủa anh Dinh còn giúp dân giữ nước, có được nước, anh lại kết hợp làm ruộng để có thêm thu nhập. Bằng việc khai thác thác rừng và thu nhập từ đồng ruộng, anh Dinh đã có một khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống, đưa gia đình anh thoát nghèo, đồng thời anh còn tích lũy được khoản tiền để quay vòng vốn làm ăn. Anh Dinh bỏ ra 200 triệu đồng để mua máy xúc đi san ruộng thuê cho các hộ trong xã để kiếm tiền, đồng thời cũng là để giúp các hộ gia đình trong xã đã có thêm ruộng nước trồng trọt. Với nhũng nguồn thu nhập hiện nay, ngoài chi tiêu, mỗi năm gia đình anh Dinh cũng còn dư dả được đến 70 triệu đồng. Hơn thế, anh còn là tấm gương lao động cho bà con xã Nghiêm Loan nơi đây noi theo. Theo gương anh, người dân trong xã quyết tâm và nhìn nhau vượt khó, cần cù sản xuất đưa sản lượng lương thực của xã đã tăng đáng kể, góp phần giữ vững an ninh lương thực hàng năm cho địa bàn này.

Đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của người dân Pác Nặm, một vị lãnh đạo của huyện nhấn mạnh, để Pác Nặm thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ của các cấp ngành thì còn là những con người dám nghĩ, dám làm. Trong đó, những chàng trai trẻ như Triệu Văn Quang, Lý Văn Dinh… được coi là những hạt nhân tạo ra cộng hưởng, lan tỏa để cho những người xung quanh học tập và vươn lên thoát nghèo.
 

 In bài viết
Văn bản điều hành