A Ngo nỗ lực xây dựng nông thôn mới

A Ngo là một xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện Đakrông (Quảng Trị) với tổng số 695 hộ dân và 2.697 nhân khẩu. Để thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, trong những năm qua, chính quyền và người dân xã A Ngo đã tích cực duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa lâu đời, đồng thời lồng ghép thực hiện nhiều chính sách, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục... và bước đầu đã đạt những tín hiệu khả quan.

Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Hùng, Bí thư Đảng ủy xã A Ngo cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chúng tôi xác định là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Đến nay, 100 % cán bộ và nhân dân tại địa phương đã biết, hiểu và tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới“. Trong những năm qua, công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm được đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Với xuất phát điểm là một xã biên giới, cơ cấu nông nghiệp chiếm hơn 90 % giá trị sản xuất, do đó công tác phát triển sản xuất có vai trò quyết định đối với nền kinh tế. Trước thực tế đó, Ban chỉ đạo xã đã tập trung thực hiện công tác đào tạo tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp... chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng thu nhập cho người dân. Từng bước tạo cho người dân ổn định về kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, trong giai đoạn 5 năm (2011 - 2015), xã A Ngo có hơn 4.500 lượt hộ được đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình như mô hình chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn bản, lợn nái sinh sản, mô hình thâm canh cây lúa nước, cây chuối và nhiều mô hình trồng cây lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ... Đến nay, nhiều hộ gia đình ở A Ngo đã dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu, có cuộc sống ổn định như hộ ông Hồ Văn Dom và Hồ Văn Phiên (thôn Kỳ Ne), Hồ Pai (thôn A La), Hồ Văn Hoạt (thôn A Rồng trên), ông Hồ Văn Lăng (thôn A Rồng dưới)...

Bên cạnh phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở A Ngo cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ. 5 năm qua A Ngo đã thực hiện xây dựng mới và nâng cấp 10 tuyến đường; thực hiện xây mới 24 phòng học; trạm y tế xã được đầu tư xây dựng hoàn thành thời điểm trước năm 2011; các công trình thủy lợi đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp 5 lượt công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng số lượt công trình nước sinh hoạt đầu tư sửa chữa giai đoạn này là 3 công trình; tỷ lệ hộ dùng điện tính đạt 98,5 % hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; trên địa bàn xã đã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được ban, ngành các cấp quan tâm và phát triển toàn diện, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao, thường xuyên duy trì kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học lên đạt trên 85 %; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 15 %. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế thường xuyên được củng cố từ xã đến thôn bản. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện, phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm được phát động và duy trì thường xuyên. Công tác xây dựng, di dời chuồng trại chăn nuôi và công trình vệ sinh hộ gia đình đã có sự chuyển biến tích cực. Người dân đã nghiêm túc thực hiện nuôi nhốt gia súc và xây dựng nhà vệ sinh hợp lý để bảo vệ sức khỏe. Chất thải, rác thải được thu gom, xử lý quy mô hộ gia đình...

Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Văn Hêm nhận định: “A Ngo hiện có khoảng 70 % lao động có việc làm thường xuyên (có thời gian làm việc bình quân 20 ngày công/tháng trở lên trong cả năm). Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,2 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm còn rất khó khăn, đặc biệt là các ngành phi nông nghiệp. Tỷ lệ thanh niên chưa có việc làm ổn định vẫn còn khá cao. Đến nay, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã A Ngo đã đạt 5/18 tiêu chí nông thôn mới, tăng 4 tiêu chí so với thời điểm lập đề án xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, xã đạt thêm 2 tiêu chí, nâng số tiêu chí đạt chuẩn lên thành 7/18 tiêu chí, bao gồm tiêu chí 4 về điện, tiêu chí 19 về an ninh trật tự. Bên cạnh những kết quả đạt được trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, xã A Ngo vẫn còn gặp những khó khăn như sản xuất nông nghiệp còn manh mún và dựa vào các nguồn lực sẵn có; việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các loại giống mới vào sản xuất chủ yếu dựa vào các chương trình dự án nên còn thụ động; khả năng tái đầu tư của người dân để duy trì sản xuất còn hạn chế do đó hiệu quả nhân rộng mô hình chưa cao...”.

Theo nhận định của lãnh đạo xã A Ngo, với đặc thù là một xã miều núi còn gặp nhiều khó khăn, để đạt được những kết quả như hiện nay là cả sự cố gắng, đồng sức đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 18 tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới.

 In bài viết
Văn bản điều hành