Bác Hồ trong trái tim người Dao
Ngày nào cũng vậy, già bản Triệu Sáng Vảng vẫn dành thời gian, dù chỉ là vài phút trang nghiêm đứng ngắm bức chân dung của Bác Hồ. Bức ảnh này ông đã giữ được gần 50 năm. Đó là một trong những thứ quý giá nhất mà cụ thân sinh ra ông để lại. Bức ảnh được đặt ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà, như một lời nhắc nhở ông và gia đình sống phải tốt cái bụng, để xứng đáng là con cháu của Bác Hồ.
Ông Triệu Sáng Vảng, thôn Cốc Tranh, xã 135 Công Sơn (Cao Lộc, Lạng Sơn) tâm sự: “Gia đình tôi đã giữ bức ảnh này gần 50 năm rồi. Trước đây bố tôi có tham gia cách mạng, ông được sống gần Bác Hồ ở Cao Bằng, Bắc Kạn… Khi mất, ông dặn chúng tôi phải giữ gìn tấm ảnh, anh em trong gia đình phải luôn nhớ về công ơn của Bác, học tập Bác trong cuộc sống, cố gắng học giỏi để mang cái chữ về giúp bà con xã nhà…”. Lời răn dạy đó anh em ông Vảng đã thực hiện được. Ông Triệu Sáng Vảng đã làm thầy giáo dạy chữ cho trẻ em ở Công Sơn (ông nguyên là hiệu trưởng trường PTCS Công Sơn), em trai ông hiện cũng là một cán bộ trên tỉnh.
50 năm trước, xã Công Sơn còn heo hút, nhà cách nhà phải vài “hòn đá” (tức là vài cây số theo cách tính của người Dao), nhưng trong những ngôi nhà trình tường đó, bao giờ vị trí quan trọng nhất cũng là nơi để thờ cúng tổ tiên và là nơi tôn nghiêm nhất để thờ ảnh Bác Hồ. Người Dao luôn hướng về Bác với một tình cảm tự nhiên. Bởi với họ, Bác Hồ là hình ảnh cao đẹp, một vị lãnh tụ tài, đức đã giúp cho dân tộc Dao có được cuộc sống như ngày hôm nay, bàn chân đi không còn lo mỏi nữa, cái bụng đã được ấm rồi. Ông Triệu Sáng Hang, thôn Nhọt Nặm cho biết: Xã Công Sơn từ xưa không ai bảo ai nhưng nhà nào cũng thờ ảnh Bác Hồ. Bác ở trong nhà mình nên mỗi một việc mình làm Bác đều biết, vì thế người Dao luôn nghe theo lời Bác....
Ngày chúng tôi lên Công Sơn công tác cũng là ngày vợ chồng chị Triệu A Múi vào nhà mới, ảnh Bác Hồ đã được treo ở vị trí giữa nhà. Đến Công Sơn, được nghe, nhìn và thấy không chỉ có người già treo ảnh Bác Hồ, mà lớp trẻ khi lập gia đình, tách hộ ra ở riêng, việc đầu tiên khi vào nhà mới là treo ảnh Bác, mà phải treo ở chỗ quan trọng nhất. Qua thời gian, điều đó đã trở thành một nét văn hoá độc đáo, và hơn thế nó trở thành tục lệ của người Dao ở xã Công Sơn. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, khi những đứa trẻ lớn lên, hình ảnh của Bác Hồ đã đi vào tâm thức của chúng như dãy núi cha (Công Sơn), núi mẹ (Mẫu Sơn) sừng sững nơi đỉnh cao này.
Nằm trên độ cao gần 1.000 mét so với mặt nước biển, Công Sơn được coi là nơi “Nhất gió nhì mây”, khi mưa thì tầm tã, khi rét thì cắt da, nhưng người Dao vẫn kiên trì bám đất lập nghiệp. Do điều kiện khí hậu và địa lý, cuộc sống bà con người Dao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, họ vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Ông Triệu Sáng Suẩn, Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn cho biết: Người Dao ở đây luôn tin và theo Bác, vì thế khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cả 2 giai đoạn, cuộc sống của người Dao ở Công Sơn bỗng nhiên như con suối Lặp Pjịa phải có nước.
Bây giờ người Dao ở xã Công Sơn không chỉ nghĩ đến Bác, đến Đảng bằng niềm tin, mà đã có những việc làm thiết thực. Nghe theo lời dạy của Bác, người Dao đoàn kết, cần cù, giúp nhau trồng cây lúa, cây ngô, nuôi con trâu, con lợn cùng xua cái đói, cái rét ra khỏi nhà, khỏi bản. Những ruộng ngô xanh mướt, những vườn đào trĩu quả ngày càng nhiều ở các thung sâu. Nhiều tấm gương điển hình phát triển kinh tế đã xuất hiện như hộ gia đình ông Triệu Sáng Hang, Triệu Sáng Vảng, Dương Trằn Vàng, Hoàng Phúc Lỷ... Trong cuộc vận động, số thanh niên tình nguỵện tham gia tòng quân luôn đạt 100% chỉ tiêu.
Với lòng tin vào Đảng, vào Bác Hồ, chắc chắn trong tương lai không xa, người Dao ở Công Sơn sẽ vượt qua những khó khăn để vươn lên.
Tuấn Yến
Nguồn Báo dan tộc và Phát triển
[TT: N.T.P]