Bài 1: Để đói giáp hạt không còn là “bệnh”

Nắm giữ nhiều “cái nhất” với diện tích lớn nhất (chiếm 2/3 tổng diện tích toàn tỉnh); có 7/62 huyện nghèo nhất cả nước; nơi tập trung nhiều nhất các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội... thế nhưng, khu vực miền núi vẫn trong tình trạng kém phát triển nhất cả tỉnh. Một trong nhiều biểu hiện cho sự “chậm chạp” này là tình trạng đói ăn của người dân mỗi mùa giáp hạt...

Về “vùng đói”

Con đường vòng vèo và trập trùng dốc núi đưa chúng tôi đến xã Lâm Phú, một trong những xã khó khăn của huyện Lang Chánh. Lâm Phú có hơn 6.200 ha đất tự nhiên, nhưng toàn đồi núi lại thiếu nguồn nước nên toàn xã chỉ có gần 100 ha lúa và 300 ha ngô, sắn, do vậy “đến hẹn lại lên”, sau Tết Nguyên đán người dân nơi đây lại thấp thỏm lo đối diện với mùa giáp hạt. Anh Hà Thanh Tuấn, ở bản Cháo (Lâm Phú), tâm sự: “Năm nào cũng thế, cứ sau Tết là nhà hết gạo ăn. Nhà 5 miệng ăn nhưng chỉ có hơn 2 sào đất lúa và gần 1 ha đất rừng. Thiếu gạo, lại phải lo cho 2 con ăn học, nên cứ mỗi mùa giáp hạt gia đình tôi lại phải ăn đong từng bữa”. Chủ tịch UBND xã Lâm Phú Phạm Văn Nhị, cho biết: “Xã có 1.013 hộ với 4.418 nhân khẩu, trong đó có tới 73,83% là hộ nghèo. Do diện tích trồng lúa ít, cộng thêm hệ thống thủy lợi gần như là không có, nên cả xã chỉ đủ gạo ăn trong vòng 5 tháng. Năm nay, tuy mới đầu mùa giáp hạt nhưng xã đã có tới hơn 80% số hộ hết gạo ăn. Nguyên nhân là do trận lụt hồi tháng 9-2012 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy xã đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ 11.910 kg gạo cứu đói cho người dân trong mùa giáp hạt này”.

Không riêng gì xã Lâm Phú của huyện Lang Chánh, nếu về các xã Trung Hạ, Trung Tiến, Tam Thanh, Tam Lư... của huyện Quan Sơn những ngày này, không khó để được thấy cái đói của người dân nơi rẻo cao. Nguyên nhân chính vẫn là người dân ở đây thiếu đất sản xuất. Chẳng hạn như xã Trung Tiến có gần 4.500 ha đất, nhưng chỉ có 50,6 ha lúa, rất khó để có đủ lương thực nuôi sống 3.111 nhân khẩu trong xã trong suốt 12 tháng. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hạn chế nên cuộc sống ở nơi rẻo cao này càng khó khăn thêm. Đi cùng cán bộ xã Trung Tiến, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hà Thị Xoa, ở bản Chè. Căn nhà sàn lợp bằng lá cọ lâu ngày cũng trở nên cũ mòn như mấy chiếc nồi méo mó, đen nhẻm và vài cái bát vứt chỏng chơ bên cạnh bao muối trắng. Thời điểm này chồng chị Xoa – anh Hà Văn Quyến đang đi làm thuê ở trong Nam. Tay đưa chiếc nôi, nơi đứa con vừa tròn 9 tháng tuổi đang ngủ say, chị cho hay: “Nhà có gần 1 sào ruộng và 80 gốc luồng thôi, nên thiếu ăn nhiều lắm. Nhiều ngày nay phải đi vay gạo của hàng xóm để ăn rồi. Con nhỏ không có ai trông nên cũng chẳng làm được gì, đang đợi chồng gửi tiền về mua gạo ăn và trả nợ”. Vì thiếu gạo ăn nên chừng 1 tháng trước anh Quyến phải vào Nam kiếm việc làm. Chân ướt, chân ráo không biết có nuôi nổi mình, vậy mà ở nhà vợ con đang trông từng ngày... để qua mùa giáp hạt.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), UBND huyện Lang Chánh và huyện Quan Sơn đã quán triệt các xã, thị trấn rà soát kỹ, lập danh sách các đối tượng bị đói nặng, đứt bữa, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, rủi ro đột xuất, không có nguồn thu nhập trong thời kỳ giáp hạt năm 2013 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Sau khi kiểm tra, rà soát, lập danh sách, UBND huyện Lang Chánh đã đề nghị Sở LĐTB&XH xem xét cấp cứu trợ 123,270 tấn gạo cho 8.218 nhân khẩu của 4.150 hộ trên địa bàn. Huyện Quan Sơn cũng đề nghị cấp cứu trợ 98,550 tấn gạo cho 6.570 nhân khẩu của 1.430 hộ trong toàn huyện.

Theo ông Phạm Đăng Lực và bà Lương Thị Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh và huyện Quan Sơn, để khắc phục tình trạng thiếu đói trong mùa giáp hạt năm 2013, trước mắt UBND huyện sẽ chỉ đạo cho các xã kiểm tra, rà soát, bình xét công khai, dân chủ số hộ, nhân khẩu thiếu đói để cấp gạo đúng đối tượng. Còn về lâu dài, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó mục tiêu bảo vệ diện tích lúa, tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó đẩy mạnh xây dựng hệ thống công trình thủy lợi và thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lương thực.

Để cắt bệnh đói giáp hạt “kinh niên”

Theo kết quả tổng hợp từ Sở LĐTB&XH, sau khi rà soát tình hình đời sống nhân dân thời kỳ giáp hạt 2013, đã có 7/11 huyện miền núi đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói, gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Thanh. Có lẽ cái đói mùa giáp hạt đã trở thành “bệnh kinh niên” ở nhiều huyện miền núi. Mỗi năm vài ba tháng, “bệnh” trở lại thăm viếng và dù đã được báo trước song các phương thuốc chữa trị vẫn chưa tạo ra hiệu quả như mong đợi. Lý giải thực trạng ấy, người ta nhấn mạnh đến các nguyên nhân đã trở thành “truyền thống”, như: giao thông chia cắt, cơ sở hạ tầng thấp kém, thường xuyên chịu tác động của loại thời tiết cực đoan; dân cư thưa thớt, hình thức canh tác lạc hậu, khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hết sức hạn chế, trong khi một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; mặc dù diện tích đất tự nhiên lớn nhưng đất sản xuất nông nghiệp thiếu hoặc không có...

Tạm thời ngăn chặn sự phát tác của “bệnh”, cũng là nhằm ổn định đời sống nhân dân thời kỳ giáp hạt tháng 4, 5-2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Tờ trình số 07/Tr-UBND ngày 14-3-2013 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho Thanh Hóa 1.629 tấn gạo để cứu đói cho một bộ phận nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang tiếp tục rà soát để nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, cũng như có phương án hỗ trợ ngay những tình huống mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra các hệ lụy xấu do đói giáp hạt. Song, về lâu dài, việc tìm một giải pháp bền vững nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng đói thời kỳ giáp hạt phải là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, địa phương. Với riêng khu vực miền núi, để khắc phục tình trạng trên cần tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa giai đoạn 2011 – 2015 và các chương trình, dự án đã được Chính phủ phê duyệt trên địa bàn. Trong sản xuất nông nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ rừng và giao đất rừng cho các hộ không có đất sản xuất; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi trong đó chú trọng đến cây cao su và chăn nuôi đại gia súc; tập trung khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước và lựa chọn các giống cây màu phù hợp để giúp đồng bào các dân tộc từng bước bảo đảm an ninh lương thực...

( Theo baothanhhoa.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết
Văn bản điều hành