Bình Định chỉ đạo lồng ghép các Chương trình, dự án với Chương trình 135
Việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã tạo cho nông thôn vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Định một gương mặt mới.
Vùng dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II ở Bình Định có trung bình 64,3% hộ nghèo (có xã, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 97%), điều kiện kinh tế xã hội ở các xã còn nhiều khó khăn, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thấp.
Nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II Bình Định được Trung ương cấp gần 144 tỷ đồng, nguồn vốn này tỉnh phân bổ cho cho các dự án: phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Ngoài ra, còn nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 116, 721 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm 46,892 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục- đào tạo 44,704 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1,606 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa 660 triệu đồng…
Về phát triển sản xuất, Chương trình 135 giai đoạn II bước đầu đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo có cơ hội tiếp cận kiến thức sản xuất mới; hỗ trợ trực tiếp giống, vật tư, công cụ sản xuất, thông tin thị trường.
Về phát triển hạ tầng, đã có trên 80% xã có đường giao thông cho xe cơ giới đến tất cả các thôn bản; 100% xã có đủ trường, lớp học; 100% xã có trạm y tế; trên 90% số thôn, làng có điện ở cụm dân cư; trên 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Về nâng cao đời sống văn hóa ở các xã đặc biệt khó khăn, có gần 99% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; trên 95% số học sinh tiểu học và 75% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường.
Chương trình 135 giai đoạn II cùng các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, chất lượng giáo dục được cải thiện, góp phần quan trọng nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội trên các vùng chiến lược xung yếu của tỉnh.
V. D