Bình Lương vững bước thoát nghèo
Bình Lương là xã đầu tiên của huyện Như Xuân (Thanh Hoá), tự nguyện đề nghị xin rút khỏi danh sách các xã hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ. Hơn 3 năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng, người dân Bình Lương đã kiên trì phát triển kinh tế, quyết không để cuộc sống trở lại con đường nghèo đói…
Ông Cao Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trước kia, giao thông đi lại khó khăn, sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, nạn phá rừng diễn ra bừa bãi, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, tranh thủ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã đầu tư xây dựng được nhiều công trình cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường điện, tạo điều kiện thuận lợi để Bình Lương phát triển đi lên...” Có được cơ sở hạ tầng khang trang nhưng có lẽ đời sống của người dân Bình Lương đi lên gắn với kinh tế rừng. Năm 2006, thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 03 của Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân về phát triển kinh tế rừng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Bình Lương nhận ra đây là cơ hội để bứt phá. Đảng ủy xã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân, thống nhất phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với kinh tế trang trại giai đoạn 2006-2010. Có định hướng về phát triển kinh tế lại được sự đồng thuận trong nhân dân, chỉ trong năm đầu tiên tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều đổi thay. Từ chỗ không có trang trại, đến giữa năm 2006, toàn xã đã có 6 trang trại, trong đó có 4 trang trại lâm nghiệp, 2 trang trại chăn nuôi...
Cùng với phát triển rừng, các dịch vụ thương mại cũng phát triển, tạo cho bộ mặt nông thôn ở Bình Lương có nhiều khởi sắc. Tốc độ phát triển kinh tế của xã hàng năm đạt 12%. Nếu như năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo của Bình Lương chiếm 70%, năm 2006 giảm xuống còn 45%, thì đến năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 29%. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt gần 400 ha, trong đó diện tích lúa nước chiếm trên 200 ha. Các cây lương thực khác cũng được đưa vào gieo trồng như: ngô 27 ha, sắn 22,5 ha. Tận dụng thế mạnh về diện tích đồi rừng, xã đã trồng nhiều loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như mía nguyên liệu 56,3 ha, cao su 106 ha, cây ăn quả 258 ha... Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng không ngừng phát triển với gần 1.800 con trâu, bò, 1.015 con lợn, 138 đàn ong mật, 18.000 con gia cầm các loại...
Điều đáng mừng là đồng bào các dân tộc nơi đây đã bỏ được các tập tục canh tác lạc hậu, không còn tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy. Bà con biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên khá, giàu, trở thành hộ điển hình làm kinh tế giỏi như: hộ anh Lê Thắng Kết, ở thôn Thắng Lộc, nhận 10 ha đất đồi rừng, trong đó trồng 2,6 ha mía nguyên liệu, 2 ha keo, 2 ha cao su, số diện tích còn lại dùng để khoanh nuôi bảo vệ rừng. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình anh thu về từ 50 đến 60 triệu đồng; gia đình ông Lê Văn Kiên, có 9 ha chuyên trồng mía và cây ăn quả; gia đình ông Lê Khắc Thử, thôn Thắng Lộc với mô hình trồng cây lâm nghiệp (luồng, keo, xoan) kết hợp với chăn nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao; gia đình ông Lê Xuân Lãm, thôn Xuân Lương chuyên chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn trên 100 con...
Biết tận dụng thuận lợi từ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước cùng với cố gắng không ngừng nghỉ, Bình Lương đã “tự đứng trên đôi chân của mình”, vững vàng vượt lên nghèo đói.
Việt Dũng
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 7/2010)
[TT: H.T.N]