Bình Thuận tích cực triển khai rà soát và công nhận hộ nghèo

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo ở Bình Thuận đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2011-2013, tỉnh Bình Thuận đã giảm được 10.906 hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ giảm là 4,52%, bình quân mỗi năm giảm 1,51%. Kết quả giảm tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đã đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao (0,8%/năm) và đạt chỉ tiêu của tỉnh đề ra (1,5%/năm).

Điểm nổi bật của công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm qua của tỉnh Bình Thuận là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, cá nhân và các doanh nghiệp trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho cong tác này. Các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, gắn với công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu; thực hiện các chính sách trợ giúp về bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, học nghề, việc làm, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác đã được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, nhiều người nghèo, hộ nghèo bằng chính sự nỗ lực của mình đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và hải đảo có bước chuyển biến đáng kể. Lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố.

Những kết quả nêu trên trước hết là nhờ Bình Thuận đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao. Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh và các huyện, thị tiếp tục ưu tiên và đầu tư từ nhiều chương trình, dự án như kiên cố hóa trường học, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn... cho các xã, thôn đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Cùng với đó, tỉnh còn kịp thời đầu tư ngân sách địa phương hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo ở các xã, thôn nghèo; chú trọng việc thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đối với người nghèo, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất sản xuất; hỗ trợ y tế, giáo dục, làm nhà ở cho hộ nghèo, cung cấp vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, ưu tiên khi xem xét giao khoán bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng, hỗ trợ thâm canh, chuyển đổi cây trồng....; thực hiện các chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến công, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội... Nhờ đó, đã tác động trực tiếp tăng thu nhập và nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo. Công tác giảm nghèo cũng đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, nhất là của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tạo ra phong trào hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp hộ nghèo cách làm ăn và có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện Chỉ thị 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng năm, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành lập Ban chỉ đạo, huy động lực lượng điều tra viên; tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ điều tra cho lãnh đạo UBND và cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, khu phố. Nhờ đó, trong năm 2013, toàn tỉnh đã tiến hành điều tra, rà soát đối với 289.685 hộ nghèo. Kết quả cho thấy, Bình Thuận còn 14.145 hộ nghèo (chiếm 4,88% so với tổng số hộ điều tra); 11.314 hộ cận nghèo (chiếm 3,91%). So với đầu năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 1,19% (từ 6,07% xuống còn 4,88%, tương ứng giảm 3.235 hộ); trong khi đó, hộ cận nghèo tăng 1.392 hộ (đầu năm 2013 là 9.922 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,47%), tương ứng tỷ lệ tăng là 0,44%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo ở một số địa phương còn nhiều hạn chế; cấp xã phần lớn giao cho các thôn tự triển khai là chính nên tiến độ điều tra còn chậm so với kế hoạch. Ban chỉ đạo điều tra các cấp chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm theo quyết định thành lập, phần lớn giao cho cơ quan chuyên môn (Phòng Lao động – TB&XH), và cán bộ Lao động – TB&XH cấp xã tự triển khai là chính nên việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc quá trình điều tra tại các thôn, khu phố chưa hiệu quả. Mặt khác, một số địa phương điều tra viên sử dụng bộ công cụ điều tra để phân loại, nhận diện nhanh hộ có khả năng thoát nghèo, nguy cơ rơi xuống nghèo thông qua việc cho điểm giá trị tài sản của hộ gia đình làm chưa chính xác và chưa sát với điều kiện của hộ; có địa phương điều tra viên không đến trực tiếp hộ gia đình điều tra mà tự cho điểm giá trị tài sản theo cảm tính, do đó còn để sót hộ thuộc diện nghèo và hộ cận nghèo; một số thôn điều tra viên điều tra thu nhập của hộ gia đình theo Phiếu B chưa xác định đầy đủ các khoản thu chi trong năm, chủ yếu chỉ tính toán khoản làm thuê, các khoản tiền công chính của hộ chứ không tính các khoản thu khác; có nơi không xác định các khoản thu, chi thực tế của hộ mà dự kiến thu nhập của hộ trong năm.

Ngoài ra, việc xác định hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo một số nơi còn nặng về chỉ tiêu giảm hộ nghèo nên xét hộ thoát nghèo không đúng thực tế như: hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương trong năm thì địa phương đưa vào diện thoát nghèo, nhưng thực tế thì cuộc sống của hộ còn rất khó khăn. Ý thức của người dân trong việc khai báo tình hình thu nhập không chính xác, có tư tưởng ỷ lại, muốn tranh thủ sự trợ giúp của Nhà nước không muốn thoát nghèo. Thêm vào đó, kinh phí điều tra, rà soát hộ nghèo giải quyết chậm và chưa đáp ứng theo nhu cầu, mức chi cho từng nội dung của công tác điều tra quá thấp, nhất là chi trực tiếp cho điều tra viên làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra. Công tác tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, báo cáo chậm trễ và số liệu báo cáo thiếu chính xác.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do: thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong quá trình thực hiện, mọi việc giao khoán cho cơ quan chuyên môn và cán bộ Lao động – TB&XH ở cơ sở tự làm là chính. Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo cấp huyện, xã làm việc chưa nghiêm túc, còn nặng về hình thức, thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình triển khai ở cơ sở. Mức chi cho công tác điều tra quá thấp không đủ chi phí đi lại, các địa phương thực hiện chi trả chậm nên một bộ phận điều tra viên không muốn làm, có nơi điều tra viên không đến khảo sát hoàn cảnh của hộ gia đình để điều tra mà làm theo cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong năm 2014, Bình Thuận tiếp tục tiến hành điều tra, rà soát và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí quy định của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 01/9/2014 đến 30/11/2014. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các phương tiện truyền thông; Xây dựng phương án, kế hoạch, lực lượng, kinh phí tổ chức điều tra, rà soát; Tập huấn hướng dẫn quy trình, công cụ điều tra, rà soát cho các điều tra viên. Đồng thời, xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát, trong đó, sẽ xác định rõ các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo; hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo; Tổng hợp toàn bộ danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo và hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo thành danh sách hộ thuộc diện điều tra, rà soát trên địa bàn.

Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là công việc thường xuyên hàng năm phải làm, để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị với Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn kinh phí thực hiện riêng cho công tác này, trong đó quy định cụ thể nội dung chi, mức chi cho từng loại phiếu điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm để địa phương căn cứ vào đó thực hiện.

 In bài viết
Văn bản điều hành