Cà Lúi vươn lên nhờ Chương trình 135

Cùng với các nguồn vốn khác, Chương trình 134, 135 đã và đang góp phần làm thay da đổi thịt các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Đời sống đại bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang đổi thay từng ngày, khoảng cách giàu nghèo so với các xã gần trung tâm huyện ngày một rút ngắn. Từ 9 xã Trung Hòa chỉ còn 5 xã là Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân, Krôngpa và Sơn Định. Những địa phương này tiếp tục được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai từ năm 2006.

Là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Sơn Hòa, xã Cà Lúi có 7 thôn buôn, hơn 450 hộ, gần 2.400 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%, đời sống nhân dân những năm trước kia hết sức khó khăn, thiếu thốn, hạ tầng cơ sở sơ sài, lạc hậu, nhất là từ năm 2000 trở về trước. Về Cà Lúi hôm nay, trước mắt chúng tôi là những con đường bằng phẳng, rộng mở, những ngôi nhà sàn, ngói mới đỏ tươi và những cánh đồng lúa, mía và sắn xanh ngắt. Nhờ Chương trình 134-135, hàng chục công trình công cộng, dân sinh, điện, đường, trường học, nhà ở tạm cho hộ nghèo và kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng đã tiếp sức cho địa phương này vươn lên trong nghèo khổ. Ông Ma Toa - Phó buôn Ma Đao, xã Cà Lú phấn khởi cho chúng tôi biết: "Giờ đã khác xưa rồi, không còn cảnh đói nghèo nữa. Các công trình được nhà nước đầu tư phát huy tác dụng rất tốt, nhất là các công trình thủy lợi, máy móc phục vụ sản xuất đã thúc đẩy bà con mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi tăng thu nhập".

Nổi lên trong các công trình phục vụ phát triển sản xuất có trạm bơm điện buôn Ma Đao, dẫn nước từ con sông Cà Lúi tới cho 50 ha lúa nước 2 vụ, với nguồn vốn trên 100 triệu đồng công trình này là niềm tự hào của bà con xã Cà Lúi. "Ma Thưa - người dân buôn Ma Đao trồng được 2 sào lúa nước tại cánh đồng Kà Bung bày tỏ niềm vui: "Trước đây, tuy bà con đã biết trồng lúa nước, song do không chủ động được nước tưới nên chỉ dám làm đến 0,5 đến 1 sào, năng suất thấp, nay thì sướng rùi, nước bơm vào tận chân ruộng, bà con phấn khởi mở rộng diện tích lúa nước, tha hồ canh tác, làm ăn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!.

Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II, Cà Lúi được đầu tư 6 máy cày, 2 máy xay xát, 1 máy tuốt lúa, với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng giao cho nhóm hộ gia đình quản lý sử dụng. Đầu vụ hè thu này máy móc đã giúp vụ hè thu cày cấy, thu hoạch lúa nước, giải quyết công việc đồng áng và chủ động cái ăn tại chổ, thay vì phải thuyê mướn nhân công, máy móc hết sức khó khăn vì địa bàn ở cách xa trung tâm và các địa phương khác. Ma Ủy - Chủ tịch UBND xã Cà Lúi cho biết: "Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì hiệu quả của máy móc phục vụ sản xuất, vì đây là ước mơ ngàn đời của bà con vùng cao, vùng xa này. Để quản lý tốt và tận dụng triệt để hiệu quả của thiết bị, địa phương đã cử những người có uy tín và hiểu biết về cơ khí đi học các lớp vận hành, sửa chửa thiết bị để khi có sự cố kỹ thuật nhỏ, bà con có thể chủ động sửa chữa mà không cần pải gọi thợ vì đường sá đi lại khó khăn, tốn kém. Hy vọng vụ này máy móc sẽ phát huy tác dụng tốt...

Phương Nam - Kim Hoa
(Nguồn: Báo Nông Nghiệp - Số 14/2009)

 In bài viết
Văn bản điều hành