Các giải pháp vươn lên thoát nghèo bền vững ở Hà Giang
Hà Giang có 6 huyện vùng cao nằm trong số 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất nước (trên 50%) là: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần, với 66.437 hộ; trong đó có 64.419 hộ, bằng 343.147 khẩu, chiếm 97,64% là người dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống ở 94 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, đã được Chính phủ đưa vào diện xã 135 giai đoạn II.
Hiện nay, đời sống nhân dân trên địa bàn 6 huyện vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, do điều kiện tự nhiên, các công trình giao thông thường bị hư hỏng trong mùa mưa lũ; các công trình trường học, trạm y tế, thủy lợi thường xuống cấp nhanh vì điều kiện thời tiết và không có ngân sách duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Đối với nhà ở, hầu hết các hộ khó khăn đều đã được sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhưng do điều kiện ngân sách, việc xoá nhà tạm bợ, dột nát chỉ mới bằng nhà tạm là chính, nên đa số hiện nay, các hộ vẫn đang cần Nhà nước tiếp tục có chính sách và giải pháp hỗ trợ để thoát khỏi cảnh nhà tạm theo tiêu chí về nhà ở.
Tỉnh Hà Giang cũng đã đề ra Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với 12 chính sách, dự án, tập trung vào 3 nhóm cụ thể: Nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo; nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo. Các chính sách, dự án hoạt động về cơ bản đều trùng với chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo do Chính phủ ban hành. Cùng với các chương trình mục tiêu giảm nghèo, các hợp phần của Chương trình 135 giai đoạn II ở 94 xã thuộc 6 huyện nghèo như: Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ sản xuất, đều triển khai đạt tiến độ. Ngoài ra, Chương trình 134, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình giải quyết việc làm… đã tác động thiết thực đến công tác giảm nghèo, nhất là đối với 6 huyện vùng cao khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh nói chung và 6 huyện nói riêng vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao (qua 2 năm đã phát sinh thêm trên 4.000 hộ nghèo mới và tái nghèo), chủ yếu nằm ở 6 huyện vùng cao và hàng năm, tỉnh vẫn còn phải trợ cấp cứu đói cho hàng ngàn hộ vào lúc giáp hạt…
Nguyên nhân của những tồn tại phần lớn là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng ít và khó canh tác; xuất phát điểm của tỉnh thấp, kinh tế chưa phát triển, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời; trình độ đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; là tỉnh nghèo, nên nguồn thu ngân sách hạn hẹp, đời sống kinh tế của nhân dân mặc dù đã được cải thiện, song thu nhập vẫn ở mức thấp… do đó việc hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo trong thời gian ngắn và đảm bảo tính bền vững là khó thực hiện. Do vậy cần có những giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo bền vững.
Để đánh giá đúng thực trạng nghèo đói và những giải pháp làm cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững cho 6 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng đã và đang hoàn thiện các giải pháp với mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện điều kiện sống và sản xuất của nhóm hộ nghèo đối với các xã, huyện bình quân mỗi năm trên 8%. Theo đó các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện theo từng mục tiêu của Nghị quyết, đảm bảo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đã đề ra. Đặc biệt cần tiến hành đánh giá lại toàn bộ các chương trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện, lồng ghép các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; rà soát lại quy trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến giảm nghèo, cải cách thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình tổ chức thực hiện và thu hút các nguồn lực; thực hiện trích 1% tổng chi ngân sách địa phương hàng năm để bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo; tập trung xử lý dứt điểm các khoản vay của các hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai, để tiếp tục cho vay bổ sung, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được vay vốn tín dụng ưu đãi; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt… cho các hộ nghèo, phấn đấu đạt bình quân hộ trong nông nghiệp có 0,5 ha đất canh tác, 1 ha đất lâm nghiệp; lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và nhân dân thuộc xã 135 trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục về ý thức dân tộc, ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo…
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong những năm qua trên lĩnh vực giảm nghèo, cùng với các giải pháp phù hợp đặc thù một tỉnh miền núi, sẽ là những cơ sở để Chính phủ xem xét, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng.
Hữu Thụy