Cần hơn 700 tỷ đồng hỗ trợ các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại Bình Liêu
Bình Liêu là một huyện miền núi, biên giới với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%. Huyện có 7 xã và 40 thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn - là địa phương có nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Những năm qua, thực hiện Chương trình 135, nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh đã được huyện triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống bà con nơi đây.
Có dịp trở lại xã thuộc diện Chương trình 135
Đồng Tâm, nơi có 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy xã đã có
nhiều sự phát triển, đổi thay. Những ngôi nhà kiên cố nhiều hơn, giao thông đi
lại thuận tiện, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Để giúp
người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng uỷ, chính quyền xã
Đồng Tâm đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai,
hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.
Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, nâng cao
hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập. Gia đình chị Đặng Thị Bình, thôn Phinh
Tắm vốn “đội sổ” hộ nghèo của xã vì trước đây chưa biết phát triển kinh tế. Xác
định được nguyên nhân nghèo, chính quyền xã cùng các đoàn thể đã vào cuộc vận
động, hỗ trợ gia đình chị chuyển đổi diện tích lúa sang trồng rau màu và chăn
nuôi. Nhờ tích cực làm ăn, gia đình chị đã thoát nghèo năm 2015.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào ở Đồng Tâm
cũng có tư duy, ý thức vươn lên thoát nghèo như gia đình chị Bình. Phó Chủ tịch
UBND xã Đồng Tâm Lý Văn Kim chia sẻ: Từ khi được thụ hưởng Chương trình 135, mỗi
năm Đồng Tâm cũng được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để phát triển hạ tầng và hỗ trợ
sản xuất. Tuy nhiên, với xuất phát điểm về kinh tế - xã hội vùng núi quá thấp,
địa hình phức tạp, dân cư phân tán, trình độ sản xuất quảng canh, tỷ lệ hộ nghèo
cao nên nguồn vốn cũng chỉ phần nào đáp ứng được việc từng bước xây dựng cơ sở
hạ tầng. Thêm nữa, nhiều hộ nghèo còn khó khăn về vốn, một bộ phận không nhỏ
người dân còn chưa chịu vươn lên mà thụ động, chờ đợi vào các nguồn hỗ trợ. Do
vậy, đến thời điểm này, Đồng Tâm mới chỉ có 1/7 thôn thoát khỏi diện đặc biệt
khó khăn, còn 430 hộ nghèo, chiếm 50,89%.
Không riêng gì Đồng Tâm, hiện các xã Đồng Văn,
Hoành Mô, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động của Bình Liêu vẫn thuộc diện đặc
biệt khó khăn. Toàn huyện mới chỉ có 3/40 thôn là Phai Lầu (Đồng Văn), Nặm Đảng
(Hoành Mô), Nà Áng (Đồng Tâm) đủ điều kiện hoàn thành Chương trình 135. Huyện
còn nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn nhất tỉnh; đồng thời có tỷ lệ hộ nghèo cao
với 2.861 hộ, chiếm 41%. Một vấn đề mà chúng tôi ghi nhận được trong chuyến đi
thực tế tại địa bàn huyện là sự dàn trải, thiếu tập trung trong phân chia nguồn
vốn được hỗ trợ từ Chương trình 135. Hầu hết các xã trong huyện khi triển khai
Chương trình 135 chỉ tìm giải pháp an toàn là mua cây, con giống, phân bón...
chia cho từng hộ nghèo trên địa bàn. Sự dàn trải, thiếu tập trung này càng làm
cho nguồn vốn hỗ trợ vốn đã ít, lại càng thêm manh mún, nhỏ lẻ. Người dân hình
thành thói quen ỷ lại, chờ đợi hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, các xã, thôn
đặc biệt khó khăn có địa hình phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên
tai cũng làm cho việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gặp khó khăn
nhất định...
Trao đổi với ông Triệu Đình Sinh, Trưởng Phòng
Dân tộc huyện Bình Liêu, được biết: Theo kết quả rà soát nhu cầu hỗ trợ xây dựng
nông thôn mới tại địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện Bình Liêu cần hơn
700 tỷ đồng. Đây là một nguồn kinh phí rất lớn, ngoài sự đầu tư của Nhà nước,
huyện rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc giúp đỡ của doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm
giúp các xã, thôn đặc biệt khó khăn của Bình Liêu sớm thoát khỏi diện 135.