Cao Bằng giảm nghèo bền vững từ chính sách dân tộc

Cao Bằng là tỉnh biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, thành phần đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đa dạng, cho nên đời sống người dân còn nghèo. Nhiều năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, địa phương vùng núi Đông Bắc này đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chúng tôi đến với xã Phù Ngọc ở huyện biên giới Hà Quảng, nơi từng có thời gian chiếm tỷ lệ hộ nghèo lớn và người dân lúng túng trong việc làm kinh tế nông nghiệp. Nhưng năm nay, các hộ gia đình đã và đang làm giàu nhờ đổi mới canh tác trong trồng trọt, chăn nuôi bằng cách sử dụng hiệu quả hỗ trợ từ các chính sách dân tộc. Ông Lò Văn De, xóm Noóc Mò, xã Phù Ngọc cho biết: "Nhờ Nhà nước cho vay vốn mua bò, xây chuồng, hỗ trợ giống bò, giống lạc phù hợp với thổ nhưỡng, cho nên gia đình tôi thuận lợi sản xuất, cuộc sống ngày càng ổn định hơn". Từ chỗ chỉ biết canh tác manh mún trên đất nương lẫn đá, đời sống khó khăn, giờ đây gia đình ông De đã tận dụng chính sách hỗ trợ vốn, tiếp cận kỹ thuật nuôi bò, trồng lạc đem lại thu nhập đáng kể. Gia đình ông De là một trong rất nhiều hộ nghèo của Hà Quảng đang dần thay đổi tư duy về làm giàu từ nông nghiệp.

Trùng Khánh là huyện nghèo nhưng luôn chủ động tìm cách thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh sống và canh tác của đồng bào. Gia đình ông Nông Đình Duy ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy là một trong những hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại quê hương nhờ thụ hưởng chính sách dân tộc của huyện. Năm 1997, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh đã hỗ trợ gia đình ông nuôi mười con dê. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, tận dụng nguồn cỏ dồi dào sẵn có trên các núi đá, đến nay đàn dê của ông đã phát triển lên vài chục con. Hằng năm, trung bình bán ra thị trường từ 20 đến 25 con, thu nhập đạt khoảng 60 triệu đồng/năm. Gia đình ông không những thoát nghèo mà "đủ sức" nuôi bốn người con ăn học trưởng thành và đến nay cũng đã có tích lũy.

Đình Phong của huyện Trùng Khánh là xã tiêu biểu trong công tác giảm nghèo khi giúp người dân tận dụng triệt để sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc. Cán bộ xã Hoàng Thị Ngân tâm sự: "Trước đây, chúng tôi áp dụng một cách máy móc như việc hỗ trợ tiền để người dân mua phân bón, có khi tiền chưa về đến nhà thì người dân đã tiêu hết vào việc khác. Vì vậy, xã đề xuất huyện cho phép đứng ra mua phân bón, phát trực tiếp cho các hộ dân nhằm phát huy hiệu quả chính sách".

Thực tế thấy rõ, nút thắt khó được giải quyết trong công tác giảm nghèo ở Cao Bằng chính là việc hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Từ số vốn này, người dân chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, tăng thu nhập, dần vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững dựa trên tập quán canh tác, phù hợp với điều kiện địa phương là điều không đơn giản. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để đánh giá kết quả; các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện; huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo. Từ năm 2011 đến 2015, tổng vốn bố trí trực tiếp cho Chương trình giảm nghèo gần 4.000 tỷ đồng, phân bổ tập trung vào vùng khó khăn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Chương trình 30a hỗ trợ một lần chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phân bón, chuồng trại cho gần 37.800 lượt hộ dân với tổng kinh phí hơn 119 tỷ đồng. Đặc biệt, đối với những địa bàn khó khăn, có những đặc thù riêng thì việc cho vay giảm nghèo có chính sách hỗ trợ riêng. Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng Đinh Mai Phong cho biết: "Hiện, Cao Bằng có năm huyện nghèo trong diện Chương trình 30a, hộ nghèo ở đây còn được hỗ trợ thêm một gói nữa là cho vay hộ nghèo 30a. Tức là số vốn được vay theo hộ nghèo thông thường thì những nhà nông này sẽ được vay thêm 10 triệu đồng với lãi suất bằng một nửa so quy định của Chính phủ, cho nên được hưởng lợi hơn hộ nghèo ở địa bàn khác".

Mặc dù kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng đến nay, nhìn tổng thể cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các dân tộc, vùng miền còn lớn, đồng bào còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước... Việc cho vay vốn theo QĐ 54, nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2012-2015 không đáp ứng được nhu cầu vay của nhiều hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Thực hiện hỗ trợ trực tiếp theo QĐ 102 cho người nông dân vẫn còn thiếu hiệu quả khi hiện vật được cấp chưa phù hợp với nhu cầu, kinh phí cấp chậm so với mùa vụ. Điều đáng nói là nhiều huyện chưa thực hiện công tác đánh giá hiệu quả chính sách, dẫn đến việc năm trước không hiệu quả, năm sau lại vẫn tiếp tục hỗ trợ mặt hàng cũ và theo cách cũ. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Mạc Văn Nheo cho biết: "Bên cạnh những thuận lợi thì thực hiện công tác dân tộc còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở địa bàn xa xôi như Cao Bằng. Nhiều chính sách còn chồng chéo và chưa hiệu quả nhưng chúng tôi đã sớm có kiến nghị để trình cấp trên sao cho phù hợp hơn với đời sống sản xuất của người dân".

Thời gian tới, tỉnh khó khăn Cao Bằng vẫn cần nỗ lực để hiệu quả hóa các chính sách dân tộc, mà cụ thể là các hình thức thiết thực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp đồng bào các DTTS biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu... Có như vậy, chính sách dân tộc mới thật sự đồng hành trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững nơi vùng cao biên giới này. 

 In bài viết
Văn bản điều hành