Chiềng Tương: Thực hiện hiệu quả nguồn vốn xóa nghèo
Những năm gần đây, xã Chiềng Tương (Yên Châu, Sơn La) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa giống mới vào sản xuất; tập trung khai thác tiềm năng sẵn có của xã để phát triển kinh tế-xã hội, nhiều hộ đã đưa giống mới vào thâm canh, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trên cơ sở đó, chính quyền xã tiến hành nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Chúng tôi đến Chiềng Tương vào những ngày đầu mùa mưa. Đồng chí cán bộ phụ trách xoá đói giảm nghèo huyện Yên Châu đi cùng hồ hởi nói: Các anh chị cứ yên tâm, đi đâu chứ xuống Chiềng Tương thì không phải đi bộ một tí nào. Tất cả các con đường liên bản đều đã được hoàn thành không chỉ giúp cho đồng bào đi lại thuận tiện mà việc trao đổi, mua bán sản phẩm, hàng hoá cũng thuận lợi. Đó chính là nhờ vào nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án của Nhà nước, vốn đối ứng từ các nguồn khác được sử dụng một cách sáng tạo, hiệu quả của chính quyền địa phương.
Đồng chí Giàng A Gà, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Tương cho biết: Hiện nay Chiềng Tương đã tập trung đầu tư thâm canh 480 ha ngô; 200 ha lúa nương, 10 ha lúa nước, 15 ha cây dong giềng và 8 ha cây ăn quả.v.v. gắn với sơ chế hàng nông sản sau thu hoạch. Hằng năm, sản lượng lương thực đạt trên 2.950 tấn; khoanh nuôi bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng và phát triển theo hướng tăng đàn gia súc ăn cỏ. Hiện, toàn xã có trên 980 con trâu, gần 400 con bò, 450 con dê, 3.700 con lợn trên 2 tháng tuổi và trên 15.700 con gia cầm... vừa cung cấp thực phẩm tại chỗ vừa trao đổi trên thị trường, giúp nhân dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nghề rừng phát triển theo hướng xã hội hóa, vừa bảo vệ, nhân rộng diện tích rừng vừa bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân.
Từ nhiều nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là vốn đầu tư từ Chương trình 134 và 135 của Chính phủ, lồng ghép các nguồn vốn 925, vốn sự nghiệp, vốn giảm nghèo của tỉnh và với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Chiềng Tương đã thực hiện nhiều công trình dân sinh, đưa vào hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ dân trên địa bàn. Những năm qua, xã đã hoàn thành tuyến đường Bó Hin-Pa Kha III; tu sửa, mở mới 26 km đường liên bản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại và vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản; trường, lớp học được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập con em trong xã; xây hệ thống nước tự chảy và bể nước cộng đồng tại bản Pa Khôm, Pom Khốc, Pa Kha I, Pa Kha II và bản Đin Chí. Bên cạnh đó, Chiềng Tương còn được được Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón để sản xuất, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và đào tạo năng lực cho cán bộ xã, bản trị giá hàng trăm triệu đồng. Có kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nông dân xã Chiềng Tương đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế xóa nghèo cho gia đình, đoàn kết cùng nhau xây dựng bản làng ngày càng đổi mới.
Bí thư Giàng A Gà cùng chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Hạng A Sá, đây là một trong những hộ làm ăn khá của xã nhờ chăn nuôi gia cầm hàng hoá. Anh Sá kể: “Trước đây nhà tôi cũng nghèo, có lúc còn không đủ ăn, con cái nheo nhóc, khổ lắm. Sau một lần được đi thăm mô hình sản xuất giỏi ở huyện bạn, nghĩ sao mình lại không học theo người ta để thoát nghèo. Mình bàn với vợ, đến ngân hàng vay tiền về xoá nghèo. Họ cho vay 10 triệu, mình nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn đầu tư nuôi gà, lợn. Làm có lãi, mình đầu tư thêm nên có được như bây giờ. Làm giàu không khó đâu, cái chính là mình có quyết tâm không thôi mà”. Theo Bí thư Gà, Chiềng Tương có gần 20 hộ làm giàu bằng sử dụng nguồn vốn xoá đói, giảm nghèo đầu tư vào chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển dịch vụ và sơ chế nông sản cũng được chính quyền xã khuyến khích phát triển. Hiện nay toàn xã có 116 máy xay xát, 22 ô tô vận tải, hàng chục hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng gia dụng, nông thổ sản góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Kinh tế phát triển đúng hướng, đời sống nhân dân ngày càng được ổn định, đến nay có gần 60% số hộ có mức thu nhập khá; 95% số hộ có nhà kê lợp ngói, proxi măng; 70% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, xem truyền hình, 100% trẻ em được đến trường; được chăm sóc y tế… Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, bản làng ngày càng khởi sắc.
Theo Mai Lan
(Nguồn: Tạp chí Dân tộc - Số 116/2010)
[TT: H.T.N]