Chính sách dân tộc của Đảng tạo đà để Như Thanh đổi mới, phát triển
Như Thanh là một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa của tỉnh Thanh Hoá, từ buổi bình minh của lịch sử, người Việt đã có mặt trên đất này, được hình thành theo từng chòm, bản của cộng đồng người Thái, người Mường, người Thổ... Xác định các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là Chương trình 134, 135... là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Như Thanh đã chỉ đạo triển khai tích cực, thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu, ưu tiên đầu tư phát triển...
Như Thanh có tổng diện tích tự nhiên hơn 58.829 ha, 85.555 nhân khẩu/18.583 hộ; có 17 xã, thị trấn trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn khu vực III và 7 xã khu vực II, có 13 thôn, bản đặc biệt khó khăn, thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Như Thanh có 4 dân tộc anh em: Thái, Thổ, Mường, Kinh sống quần tụ bên nhau. Đồng bào dân tộc thiểu số có 32.510 người, chiếm 38% dân số toàn huyện. Như Thanh là một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa, từ buổi bình minh của lịch sử, người Việt đã có mặt trên đất này, được hình thành theo từng chòm, bản của cộng đồng người Thái, người Mường, người Thổ. Những năm sau, vùng đất Như Thanh lại được đón thêm đồng bào người Kinh từ các huyện miền xuôi và cả ở tỉnh ngoài làm cho vùng đất này ngày càng trở nên đông đúc. Cùng với các cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số Như Thanh sớm có truyền thống yêu nước, đoàn kết, một lòng theo Đảng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện chính sách dân tộc và các chính sách khác của Đảng, Nhà nước Như Thanh đã có bước phát triển toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. GDP tăng trưởng hàng năm đạt trên 15%. Năng suất lúa bình quân đạt gần 45 tạ/ha vụ, bình quân lương thực đạt 300 – 400 kg/người. Độ che phủ rừng đạt trên 60%. Lĩnh vực văn hóa – xã hội, có nhiều chuyển biến tích cực. Các trường mầm non, THCS, THPT đã cơ bản được xây dựng kiên cố, cao tầng. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng tốt hơn, 100% đối tượng nghèo đồng bào các dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày càng được tăng cường đầu tư. Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào dân tộc có nhà sinh hoạt văn hóa, hoặc điểm bưu điện văn hóa xã. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức trong các dịp lễ hội, ngày Tết đã khơi dậy truyền thống văn hóa của các dân tộc. Thực hiện Quyết định 975 của Chính phủ, có 20 ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, nhiều báo đã cấp đến bản làng, khu dân cư. Diện phủ sóng phát thanh đạt 100%, sóng truyền hình đạt 98%. Đặc biệt, về kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nên có nhiều thay đổi cơ bản và tương đối toàn diện. Mạng lưới giao thông thôn, bản và liên xã, đến các tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 45, đường Hồ Chí Minh, đã được đầu tư nâng cấp.
Anh Hà Đức Toàn, người dân tộc Thái, nhiều năm làm chủ tịch bây giờ là bí thư đảng ủy xã Thanh Tân, tự tay lái xe ô tô đưa chúng tôi thăm thôn Tân Hùng. Anh cho biết: “Thôn tái định cư Tân Hùng trước đây nghèo lắm, được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2002, theo Chương trình 135 của Chính phủ. Khi đó vùng đất này đang do Lâm trường Thanh Kỳ quản lý. Những hộ dân trong khu định canh, định cư, ngoài Tân Hùng và đồng bào tái định cư lòng hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân còn có những người dân vùng phụ cận. Họ là những gia đình không có đất sản xuất. Khi xây dựng khu định cư, mới đầu đồng bào “chưa ưng cái bụng” lắm, vì phong tục, tập quán của đồng bào quen lối sống quần tụ theo bản, làng khó bỏ. Nếu vào trong đó, lấy gì để sản xuất. Thế rồi, các cấp, chính quyền, đoàn thể vận động bà con vào cho biết, biết rồi thấy hay, ổn định hơn từ đó cho đến nay. Bây giờ thì Tân Hùng có nhiều gia đình giàu, thôn có gần 100 hộ, với 570 nhân khẩu, đời sống kinh tế khá có 60 hộ, 10 hộ thu nhập từ 45 đến 60 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 18 hộ không có hộ đói. 100% hộ có xe gắn máy, ti vi màu và nước sạch để dùng.
Chương trình 134, 135 của Đảng đã đưa nước sạch, điện lưới, giao thông, hồ đập thủy lợi đến với người dân Thanh Tân. Cách đây 10 năm, Thanh Tân là một xã nhiều không: “Không đường, không điện, không truyền hình, không thông tin liên lạc... Bây giờ thì đường ô tô chạy bốn mùa, điện kéo đến tận bản, làng, đập thủy lợi tưới tiêu gieo cấy 2 vụ lúa, thông tin liên lạc, truyền hình đã phủ sóng.
Phượng Nghi cũng vậy, là một xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn nhưng cũng có những bước phát triển khá nhanh. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Huy, cho biết: Nguồn vốn Chương trình 134, 135 được đầu tư xây dựng và lồng ghép với các chương trình dự án khác đã giúp cho Phượng Nghi có đường giao thông thuận lợi, trường học, trạm y tế xã khang trang. Điện lưới quốc gia đã về đến từng thôn, bản. Có điện, có trường, có giao thông, có nước sạch... không chỉ nâng cao mức sống và trình độ dân trí, mà còn góp phần quan trọng trong việc củng cố hoàn thiện hệ thống chính trị ở địa phương. Cũng từ đó, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Thăm gia đình chị Quách Thị Dân, người dân tộc Mường ở thôn 7 (làng Chén), xã Xuân Du tâm sự: Cách đây 20 năm, gia đình chị nghèo lắm. Bây giờ thì khác rồi. Được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi, chị mua bò, dê chăn nuôi. Chị còn nhận 30 ha đồi rừng trồng keo, mía và đào cảnh. được hướng dẫn kỹ thuật, cùng sự cần cù chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị đã có cuộc sống ấm no, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập 35 – 40 triệu đồng. Ngoài ngôi nhà sàn truyền thống, anh chị còn làm thêm ngôi nhà mái bằng khang trang. Chị Dân xúc động nói: “Không có Đảng, không biết bao giờ gia đình chúng tôi mới có ngày hôm nay”.
Đồng chí Lê Minh Giao, Chủ tịch UBND huyện, đánh giá: hơn 20 năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới huyện miền núi huyện Như Thanh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến to lớn. Đặc biệt 10 năm trở lại đây, kinh tế Như Thanh tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh như: lúa năng suất, chất lượng cao, mía đường, cao su, mây nếp K83, ngô lai đơn, kết hợp mở rộng vùng cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với cơ sở chế biến; đồng thời hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị mới góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Xác định các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là Chương trình 134, 135... là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Như Thanh đã chỉ đạo triển khai tích cực, thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống. Các chương trình đã góp phần làm khởi sắc toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng tạo đà cho Như Thanh tiếp tục phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.
(Theo Báo Thanh Hóa)
[TT: NTV]