Chính sách vì đồng bào vùng cao

Chúng tôi thực sự ấn tượng với câu nói của một đồng chí lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh rằng: Chính sách Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc Điện Biên những năm gần đây nhiều như lá rừng. Điều đó thể hiện, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đồng bào các dân tộc luôn được quan tâm đúng mức. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến Chương trình 135/CP. Với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho các hợp phần đã giúp 100% đối tượng thuộc diện 135/CP được thụ hưởng các chương trình, dự án, từng bước ổn định cuộc sống...

Đổi thay nhờ Chương trình 135/CP

Cách đây chưa lâu, chúng tôi lên xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông công tác. Dọc đường, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, vì cũng chính con đường này cách đây vài năm, chiếc xe máy phải ì ạch vượt dốc và nhảy chồm chồm, do vừa kết thúc mùa mưa, bà con chưa kịp sửa sang nên chi chít ổ trâu, ổ voi. Nếu không phải đã quen đường, chắc chắn chúng tôi không chỉ “chộp ếch” một lần, vậy mà nay chỉ mất gần 2 tiếng đồng hồ đã có mặt tại trụ sở UBND xã Luân Giói an toàn. Ông Lò Văn Cu “khoe”: Không riêng “xã lộ” từ ngã ba Mường Luân vào mà đường giao thông liên bản cũng được mở mới rộng rãi, mùa khô, ôtô có thể về 12/12 bản một cách dễ dàng. Đây chính là niềm mơ ước bấy lâu đối với đồng bào các dân tộc xã Luân Giói. Chúng tôi hiểu và chia sẻ niềm vui với đồng chí Chủ tịch xã Lò Văn Cu, vì chiến lược của tỉnh đặt ra là muốn thúc đẩy KT - XH phát triển thì giao thông phải đi trước một bước. Với Luân Giói - xã vùng cao, xa xôi nhất huyện Điện Biên Đông, nhờ được thụ hưởng Chương trình 135/CP cả 2 giai đoạn I và II, đến nay hệ thống giao thông liên bản đã “khép kín”. Chứng kiến rõ hơn sự đổi thay về hạ tầng giao thông, ông Cu dẫn chúng tôi qua một số bản trong xã. Dọc đường, nhiều xe máy đi ngược chiều. Không riêng xe của bà con mà có cả xe của thương lái từ thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên... vào thu mua nông sản cho dân. Hiện nay, đại bộ phận các gia đình trong xã đã mua xe máy làm phương tiện đi lại, gia đình khá giả, đông nhân lực sắm 2 - 3 xe máy.

Đi qua vài bản, vượt qua vài con dốc, băng qua vài cây cầu treo, thông tin chúng tôi có được thì những cây cầu này cũng được bắc bằng nguồn vốn Chương trình 135/CP. Trước đây, mỗi mùa mưa, giao thông ách tắc, một phần do đường sá kém, phần vì nước suối dâng cao chia cắt bản này với bản kia. Từ khi được Nhà nước đầu tư kinh phí làm cầu, bất kể mùa mưa hay mùa khô, việc đi lại của dân trở nên thuận lợi.

Được biết, bằng hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông về các bản, Luân Giói cũng chú trọng xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu của nhân dân. Trong quá trình xây dựng, xã phát huy quy chế dân chủ tại cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên tất cả các công trình phát huy tốt hiệu quả. UBND xã Luân Giói chỉ đạo các bản thành lập tổ khai thác, bảo quản các công trình nước sinh hoạt. Khi hệ thống van, khoá bị hỏng, ống dẫn nước bị mưa lũ cuốn trôi hoặc nổi lên mặt đất... tổ bảo quản kịp thời sửa chữa, khắc phục, tăng tuổi thọ công trình.

Luân Giói là “vựa lúa” của huyện Điện Biên Đông, do đó, việc dành nguồn kinh phí đáng kể kiên cố hóa hệ thống kênh mương thuỷ lợi, đập đầu mối thu nước tưới ruộng được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Điều kiện tưới tiêu thuận lợi, được tập huấn, chuyển giao KHKT nên bà con thay đổi phương thức từ sản xuất 1 vụ lên 2 vụ lúa/năm, năng suất cao. Với những chân ruộng cao, việc tưới tiêu gặp khó khăn, bà con chuyển sang trồng màu bằng các giống ngô, đậu tương, bông lai... tăng thu nhập. Theo ông Cu: Sau khi Nhà nước cấp máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy làm đất, căn cứ điều kiện thực tế, xã phân bổ cho từng bản quản lý, khai thác. Tránh hiện tượng “cha chung không ai khóc”, xã giao cho một vài gia đình chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khi bà con trong bản có nhu cầu thì “chủ tài sản” làm giúp và tính tiền trên cơ sở thoả thuận.

Chính sách vì đồng bào vùng cao

Chương trình 135/CP giai đoạn II sẽ kết thúc vào cuối năm 2010. Thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 135/CP, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thống kê số liệu, đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm (2006 - 2010) triển khai Chương trình. Huyện Điện Biên sẽ là đơn vị “mở màn” tổng kết Chương trình 135/CP giai đoạn II. Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá: Xét tổng thể, Chương trình 135/CP cả 2 giai đoạn I và II triển khai trong 10 năm qua đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn tỉnh ta. Mặc dù có nơi, có thời điểm, một vài công trình, hợp phần đầu tư bằng vốn 135/CP chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhưng sau khi có ý kiến của người dân và chính quyền cơ sở, cơ quan thường trực cấp tỉnh, huyện đã kịp thời vào cuộc kiểm tra, yêu cầu đơn vị liên quan thực hiện đúng cam kết.

Theo quyết định của Chính phủ, những xã thụ hưởng Chương trình 135/CP giai đoạn II ở Điện Biên sẽ được cấp từ 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng/xã/năm (tuỳ theo đặc điểm địa hình). Tỉnh ta có 77/112 xã, thị trấn thụ hưởng Chương trình 135/CP; bên cạnh đó, có 27 bản của các xã vùng 2 cũng được hưởng chương trình này, với mức 200 triệu đồng/bản/năm. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn I, bước vào giao đoạn II, các hợp phần có nguồn vốn đầu tư lớn vẫn do cấp huyện làm chủ đầu tư, còn những hợp phần nhỏ, cách thức triển khai đơn giản được phân cho xã làm chủ đầu tư. Khi UBND xã làm chủ đầu tư sẽ thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất chất lượng các công trình, chương trình trước khi đưa vào sử dụng. Nét mới của việc thực hiện Chương trình 135/CP giai đoạn II là không phân bổ vốn “cào bằng” như giai đoạn I mà tuỳ vào từng xã, từng huyện để phân bổ vốn hợp lý. Cũng là xã vùng III nhưng các xã của huyện Mường Nhé, Tủa Chùa... sẽ được cấp 1,1 tỷ đồng/năm, trong khi huyện Điện Biên Đông, Mường Ảng... nơi điều kiện giao thông thuận lợi được bố trí kinh phí thấp hơn. Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì chi phi vận chuyển nguyên, vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi cho các xã thuộc huyện Mường Nhé, Tủa Chùa... thường đắt hơn huyện Điện Biên và Mường Ảng...

Mỗi năm, Chính phủ đầu tư vốn Chương trình 135/CP giai đoạn II cho tỉnh ta khoảng gần 150 tỷ đồng. Riêng hợp phần cơ sở hạ tầng chiếm lượng vốn nhiều nhất. Thống kê sơ bộ, 5 năm qua, đã có 269 công trình kết cấu hạ tầng gồm: giao thông nông thôn, thuỷ lợi, đường điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... tại các xã đặc biệt khó khăn được “gắn biển 135/CP”, đã tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa...

Theo baodienbienphu.info.vn
[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành