Chương trình 135, đòn bẩy giảm nghèo ở Gia Lai
Được đánh giá là chương trình có hiệu quả cao, ít thất thoát, cơ chế quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, Chương trình 135 giai đoạn II đã mang đến sự đổi thay kỳ diệu cho các buôn, làng của tỉnh Gia Lai, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vào thời điểm trước năm 2004, xã Kon Pne (huyện K’bang) là xã duy nhất của tỉnh Gia Lai chưa có đường đến trung tâm xã. Có người ví Kon Pne như một “ốc đảo”, vì vùng đất này vẫn hoang sơ, khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Toàn xã có ba thôn với 280 hộ (1.300 khẩu), chủ yếu là người Băh Nar. Trước đây, cuộc sống của bà con chủ yếu nhờ vào hạt lúa rẫy mỗi năm một mùa và hái lượm lâm sản dưới tán rừng, do vậy cái nghèo, cái đói vẫn luôn là nỗi ám ảnh.
5 năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư của Chương trình 135, xã được xây dựng 2 công trình thủy lợi nên diện tích lúa nước 2 vụ tăng lên 52ha, ngoài ra còn có 58ha sắn, ngô... Đường giao thông nối các buôn làng với trung tâm xã hoàn thành; trường học, trạm y tế khang trang. Những mái nhà vách gỗ lợp tôn san sát vững chãi, hài hòa bên những ruộng nước xanh mướt dọc theo hàng cột điện kéo ánh sáng về tận nhà. Ông Đinh A Liếu, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Từ khi có con đường, bà con đỡ vất vả hơn, không chỉ đi lại thuận lợi mà nông sản làm ra cũng bán được. Có thu nhập nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể, trước khi có đường, cả xã có đến 30% số hộ đói nay dù vẫn còn khó khăn nhưng chỉ còn hộ nghèo; hiện xã có đến 30 xe máy. Có được điều đó là nhờ Chương trình 135”.
Tăng cường sự giám sát của cộng đồng
Đến Gia Lai thời điểm này, rất dễ nhận ra sự đổi thay kỳ diệu của các buôn làng thông qua sự đầu tư của Chương trình 135 cùng nhiều chương trình, dự án khác. Bước sang giai đoạn II, toàn tỉnh có 68 xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi với 600 thôn, làng; trong đó có 398 thôn, làng đặc biệt khó khăn với 50.969 hộ, 246.867 khẩu.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, thông qua việc tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, diện mạo nông thôn, miền núi của Gia Lai đã có sự đổi thay đáng kể. Hầu hết các xã đã có lớp học mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở xây dựng kiên cố, thu hút trên 90% số học sinh trong độ tuổi đi học đến trường, số xã đạt tiêu chuẩn phổ cập tiểu học tăng lên.
Về giao thông, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Mạng lưới y tế được củng cố, 100% số xã có trạm y tế, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, công tác tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì thường xuyên.
Nhờ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, đồng bào dân tộc từ chỗ chưa quen làm lúa nước thì nay đã biết cách làm lúa nước và thâm canh. Một số vùng đồng bào đã biết sử dụng máy nông cụ và đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Đến nay, cơ bản giải quyết xong nạn đói giáp hạt. Kinh tế hộ phát triển, phong trào trồng cây công nghiệp dài ngày như càphê, hồ tiêu, cao su... phát triển mạnh. Trong chăn nuôi, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển dần từ tập quán chăn thả rông sang chăn nuôi quy mô lớn, kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm...
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình, trong thời gian tới, ông Đào Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 135; loại bỏ dần tư tưởng xem việc xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của Nhà nước để đồng bào không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; kịp thời hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong quá trình thực hiện Chương trình. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai về công tác đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn và các chính sách của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy hiệu quả giám sát của cộng đồng.
Phương Nguyên
(Báo Dân tộc & Phát triển - Số 43/2009)
[TT: H.T.N]