Chương trình 135 giai đoạn II ở Tuyên Quang: Góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ đói nghèo
Với 140 xã, phường, thị trấn, gần 2.100 thôn bản, Tuyên Quang có 70 thôn, 41 xã của 5 huyện được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn của Chương trình (CT) 135 giai đoạn II. Qua 3 năm (2006-2008) thực hiện CT với tổng kinh phí gần 47 tỷ đồng, Tuyên Quang đã xây dựng được hơn 70 công trình giao thông; kiên cố gần 10km kênh mương; làm mới hơn 10 công trình thủy lợi đầu mối; 18 công trình điện và gần 25 km đường điện; gần 30 công trình trường lớp học; 6 trạm y tế; 4 chợ trung tâm xã và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng...
Ngoài các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong 3 năm thực hiện CT, Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng được gần 100 mô hình sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ cho hơn 2.000 hộ dân các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, trang thiết bị, công cụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho 2.169 người là cán bộ xã...
Đánh giá kết quả đạt được của CT 135, ông Âu Văn Hành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: CT 135 giai đoạn II được triển khai trên địa bàn các xã đều bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng và hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã 135 đã giảm nhanh (năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60%, (đầu năm 2008) đã giảm xuống còn hơn 48%). Theo đó, trình độ sản xuất của nhiều hộ gia đình được nâng cao, thu nhập tăng thông qua các mô hình sản xuất hàng hoá, tạo bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa bàn khó khăn...
Trong cơ chế điều hành, Ban Chỉ đạo CT 135 giai đoạn II đã thực hiện phân cấp mạnh về cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Xã có công trình, dân có việc làm và có thu nhập”. Các cơ chế điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được Ban Chỉ đạo CT thực hiện dân chủ, công khai có sự tham gia, giám sát của người dân và cộng đồng trong việc thực hiện các nội dung chương trình. Ông Hành nhấn mạnh: Bước sang giai đoạn II, Tuyên Quang tiếp tục phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư ở cả 3 dự án hợp phần của CT. Đối với các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã giao trực tiếp cho cấp xã tổ chức chỉ đạo, thực hiện công trình. Đối với các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, Ban Chỉ đạo yêu cầu cấp xã cần có tham mưu, tư vấn của những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật, còn người dân tham gia lao động thủ công và khai thác vật liệu...
Bên cạnh những hiệu quả đạt được, CT vẫn còn tồn tại những hạn chế khó khăn nhất định. Trước hết là hệ thống văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành, Trung ương chưa đồng bộ, chưa thống nhất về nội dung giữa các nguồn vốn (vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp). Chính vì sự thiếu đồng bộ, thống nhất này mà việc triển khai thực hiện dự án đầu tư phát triển và sự nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể là: việc giao nguồn vốn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho dự án này là 120 triệu đồng/xã (năm 2006), 200 triệu đồng/xã (năm 2008). Nhưng trên thực tế, việc triển khai sử dụng nguồn vốn ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn do sự chồng chéo của 2 văn bản, đó là: Thông tư số 676/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NN&PTNT ngày 8/8/2006 về nguồn vốn xây dựng mô hình mua sắm trang thiết bị máy móc... và Thông tư 79/2007/TT-BNN&PTNT ngày 20/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ thự hiện nội dung mua sắm trang thiết bị, máy móc công cụ sản xuất, chế biến bảo quản sau thu hoạch... Theo Thông tư 676 thì nguồn vốn đầu tư phát triển có thể sử dụng vào 2 nội dung: xây dựng, phổ biến, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất và mua máy móc (căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương), nhưng nếu áp dụng theo Thông tư số 79 thì nguồn vốn đầu tư phát triển chỉ được sử dụng để mua máy móc trong khi thực tế với điều kiện sản xuất của địa phương thì nhu cầu xây dựng, phổ biến, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nhu cầu thiết yếu hơn so với nhu cầu mua máy móc phục vụ sản xuất. Điều này đã khiến nhiều xã lúng túng trong việc thực hiện, triển khai các dự án của CT.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đối với nội dung đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số chỉ được 30.000 đồng/người/tháng là quá thấp so với chi phí đào tạo thực tế tại các cơ sở đào hiện nay... Đây cũng là một trong những khó khăn khiến nhiều xã phải “đau đầu” khi thực hiện dự án đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Theo mục tiêu chương trình, đến năm 2010, các xã đặc biệt khó khăn sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, như: đường ôtô đến các thôn bản, trường tiểu học, lớp mẫu giáo, trạm y tế, mạng lưới điện, phấn đấu 70% số thanh niên được đào tạo dạy nghề ngắn hạn.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ông Chẩu Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Ngoài việc khắc phục khó khăn các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ; các huyện và các xã cần triển khai lồng ghép thực hiện chương trình để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2009 đến năm 2010, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu vốn sao cho hợp lý để tạo đà cho sản xuất phát triển...
Bài và ảnh: Hoàng Thanh