Chương trình 135 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, biên giới

Tây Ninh là tỉnh biên giới Tây Nam của Tổ quốc gồm 17 dân tộc anh em (chủ yếu là Kinh, Khmer, Chăm, Tà Mun (Xtiêng) cùng sinh sống.

Hiện Tây Ninh có 20 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới được hưởng lợi từ Chương trình 135. Từ khi Chương trình 135 được thực hiện (năm 1999) đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa...

Qua 6 năm triển khai, với tổng số vốn đầu tư xây dựng cho các công trình là 44 tỷ 973 triệu đồng, trong đó bao gồm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là 37 tỷ 344 triệu đồng, gồm các hạng mục công trình đường giao thông, trường học, trạm xá... Dự án xây dựng các trung tâm cụm xã (TTCX) đã đầu tư là 6 tỷ 830,172 triệu đồng với 5 công trình TTCX huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng được xây dựng, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá giữa các vùng. Chính sách hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK được thực hiện chặt chẽ từ cấp tỉnh, huyện, xã, ấp. Riêng năm 2004, toàn tỉnh có 337 hộ ĐBKK được hỗ trợ chăn màn, đồ dùng gia đình, vốn sản xuất với số tiền 481 triệu đồng. Đối với dự án ổn định và phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, Tây Ninh thực hiện từ năm 2003 là 664 triệu đồng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Triển khai dự án nuôi bò sinh sản, đầu tư 83 con bò cái giống cho 252 hộ nghèo.

Huyện Tân Châu có 4 xã biên giới được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. 6 năm qua Huyện đã đầu tư xây dựng được 76 công trình, trong đó có 41 công trình giao thông; 14 công trình trường học; 13 công trình điện; 3 công trình thuỷ lợi; 5 công trình y tế; 1 công trình chợ... Điểm nổi bật trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 ở huyện Tân Châu chính là tiểu dự án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án đã tiến hành cấp phát cho các hộ nghèo các loại giống cây có tiềm năng kinh tế cao như mía, mì (sắn), cao su, giống lợn, bò lai; hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến từng hộ, nhóm hộ. Công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và chăn nuôi cũng được quan tâm đúng mức đã giúp đồng bào các dân tộc từng bước thay đổi được tập quán sản xuất cũ, chuyển sang sản xuất theo phương thức mới. Năng xuất ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, tạo ra nhiều lương thực, thực phẩm cho xã hội, từng bước cải thiện đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo.. Tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân mỗi năm giảm khoảng 1%. Đến cuối năm 2004 tỉ lệ hộ nghèo còn 21,5% so với 36,3% năm 2002. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường là 98,96%. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho bà con cũng được quan tâm. Hiện tỉnh đã kiểm soát toàn diện và khống chế kịp thời các dịch bệnh hiểm nghèo. Cũng từ Chương trình 135, khoảng 80% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 45% số hộ được dùng nước sinh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1,5 triệu đồng/năm.

Có thể khẳng định, Chương trình 135 đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn của chương trình tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc chuyển giao KHKT, đầu tư cây, con giống giúp đồng bào phát triển kinh tế chỉ mới triển khai (từ năm 2003), nguồn vốn đầu tư ít nên hiệu quả mang lại chưa rõ nét, dẫn đến tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng miền núi còn cao. Do vậy, về lâu dài, không chỉ riêng Chương trình 135 mà nhiều chương trình, dự án khác cần phải chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ KHKT đến từng hộ gia đình; có giải pháp để vừa nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, vừa hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp cho các xã ĐBKK xoá đói giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Thu Huyền

 In bài viết
Văn bản điều hành