Chương trình 135 - Hiện hữu những mong ước của bà con vùng đặc biệt khó khăn Ninh Bình

Người dân sống ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) chỉ mong sao một ngày được nhìn thấy ánh điện, xóm bản có một con đường bê tông thay thế những lối mòn lầy lội, “trời thương” để bà con bớt “khát” vào mùa khô, sức khỏe và tương lai của con em được chăm sóc, nuôi dưỡng.... Mong ước cả đời của bà con đã trở thành hiện thực khi có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi - Chương trình 135 của Chính phủ.

Chương trình hỗ trợ đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn tập trung vào các dự án: hỗ trợ sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Các dự án đã tạo bước chuyển mạnh mẽ ở các vùng còn khó khăn nơi vùng cao Nho Quan, những con đường thảm bê tông rộng thênh thang từ trung tâm huyện tới các xã, nối kết các thôn bản ; nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã phần nào giải được cơn khát bao năm của bà con; những trạm y tế với đầy đủ phương tiện khám chữa bệnh và các ngôi trường khang trang đã mở ra tương lai cho con em những người quanh năm bám rừng, đi rẫy; những giống cây, con mới năng suất chất lượng cao đã dần xua đi cái đói nghèo bao đời; nhận thức của cán bộ và người dân ngày càng được nâng lên, hũ tục lạc hậu dần bị đẩy lùi, nét văn hóa mới đậm bản sắc được khẳng định...

Từ nguồn vốn 135 giai đoạn II, Nho Quan đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng như: Trường Trung học cơ sở Thạch Bình, Tiểu học Cúc Phương, Phú Long; Trạm y tế xã Kỳ Phú, nhà văn hoá ở các thôn Bè Mật (xã Thượng Hoà), Đồi Phương (xã Quỳnh Lưu)... tuyến 1 và tuyến 2 đường liên thôn Đồng Trung (xã Quảng Lạc). Cùng với đó, phối hợp với các địa phương làm tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, trong những năm gần đây, có hơn 2 nghìn hộ gia đình được hỗ trợ giống cây trồng, gần 300 hộ được hỗ trợ giống vật nuôi, chủ yếu là giống bò lai Sin. Có 1.270 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, với hơn 8 tỷ đồng, tạo cơ hội cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Số hộ nghèo giảm dần qua các năm, từ hơn 18% năm 2006 xuống còn 9,7% năm 2009. Đã tổ chức được gần 40 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng với hơn 3200 học viên; hỗ trợ cho hàng trăm học sinh nghèo với số tiền 70 nghìn/ tháng/ học sinh... Các dự án đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần thực hiện nhanh công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Về Kỳ Phú, trước đây là một trong những xã khó khăn của huyện, nay đã thay da, đổi thịt. Công trình cấp nước tập trung tại bản Mét - Ao Lươn với số tiến hơn 2 tỉ đồng, đã giải được cơn khát, bà con không còn lo nước sinh hoạt khi bước vào mùa mùa khô hạn. Trước mỗi gia đình đều có téc chứa nước, hệ thống ống dẫn được nối đến tận nhà, giọt nước mát trong đã phần nào làm vơi đi sự cực nhọc của bà con. Thăm Trạm y tế xã Kỳ Phú rộng rãi, với 15 phòng, mới hoàn thành và đi vào khám chữa bệnh từ cuối năm 2009, đã thực sự mang lại niềm vui lớn cho cán bộ y tế và người dân. Từ ngày có Trạm mới, bà con mừng lắm, từ rất sớm đưa con đi học xong là bà con đã vào khám chữa bệnh rồi; cán bộ nhân viên giờ đã yên tâm công tác, nếu không có Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chưa biết bao giờ mới có được cơ sở như hôn nay, chị Đoàn Thị Thanh, nhân viên y tế Kỳ Phú hồ hởi.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Ban quản lý chương trình 135 giai đoạn II cho biết: Đây là một chủ trương, chính sách lớn, tạo điều kiện cho người nghèo ở các vùng khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... các xã có điều kiện để thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, thúc đẩy kinh tế các xã miền núi phát triển...

Nho Quan là huyện miền núi, một trong những huyện khó khăn của tỉnh, còn tới 4 xã đặc biệt khó khăn với 51 thôn bản; phần lớn diện tích là rừng núi, đồng bào thiểu số (chủ yếu là dân tộc mường) chiếm tỷ lệ khá cao, số hộ nghèo hơn 18% năm 2006. Cùng với các chủ trương lớn của Chính phủ, Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế miền núi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng; hỗ trợ vốn cho bà con đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xoá nhà dột nát... Vì vậy, trong những năm gần đây 100% số xã có đường ô tô, đường điện thắp sáng đến trung tâm xã, 100% số xã có trạm phát thanh, 81% số xã được phủ sóng truyền hình... Một diện mạo thôn bản nông thôn mới đang dần hình thành nơi vùng núi cao./.

(Theo TTXVN)

[TT: NTV]

 In bài viết
Văn bản điều hành