Chương trình 135 ở Hà Giang: "Hạ núi, mở đường..."
Sau 3 năm thực hiện Chương trình (CT) 135 giai đoạn II, Hà Giang đã có gần 137.000 hộ, trong đó có hơn 107.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ Chương trình 135. Nhờ vậy, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng đã được rút ngắn lại theo hướng bền vững, đồng bào đã được tiếp cận và từng bước ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xoá đói, giảm nghèo, hướng tới tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn...
Thay đổi phương thức canh tác- hướng xoá nghèo bền vững
Bước sang giai đoạn II, với mục đích xoá nghèo bền vững, tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận, áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, ngoài dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các dịch vụ... CT 135 ở Hà Giang đã tập trung triển khai Hỗ trợ phát triển sản xuất; Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, thôn và cộng đồng. Ông Long Hữu Phúc- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Để xoá được đói, giảm được nghèo điều quan trọng vẫn phụ thuộc vào khả năng, nhận thức của mỗi người dân. Làm thế nào để thay đổi nhận thức, phương thức canh tác lạc hậu đã tồn tại từ bao đời nay của đồng bào dân tộc? Đó là một việc làm không dễ và đó cũng chính là những trăn trở, băn khoăn lớn nhất của những người làm công tác dân tộc tỉnh Hà Giang trong quá trình thực hiện CT 135 giai đoạn II.
Xuất phát từ suy nghĩ ấy, Ban Dân tộc đã tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh Hà Giang những cách làm mới, hiệu quả trong quá trình thực hiện CT 135. Để giúp người dân dễ hiểu, dễ làm đồng thời vẫn đảm bảo những yêu cầu đề ra, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng chương trình tập huấn, đào tạo phù hợp. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc đã bố trí các chuyên gia, giảng viên biết tiếng dân tộc đến giảng dạy, hướng dẫn... Gần 3.000 cuốn tài liệu với nhiều nội dung: nâng cao trình độ sản xuất cho cộng đồng, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, nghiệp vụ giám sát năng lực của chủ đầu tư... đã được cấp phát cho người dân, cán bộ xã, thôn, bản. Trên cơ sở đó, các huyện, thị đã tổ chức tập huấn, đào tạo theo hình thức vừa học lý thuyết, vừa tổ chức đi thăm quan, học tập các mô hình điển hình ở các xã, huyện, địa phương lân cận. Theo đó, gần 30.000 lượt cán bộ, nhân dân đã được tham dự các lớp tập huấn. Việc thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia các buổi tập huấn đã góp phần củng cố và hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở, tình hình chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn các xã biên giới đã từng bước được ổn định; niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước ngày một bền chặt.
Ngoài ra, để giúp người dân có điều kiện áp dụng những kiến thức đã được tập huấn từ CT 135, đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu phương tiện sản xuất, Hà Giang đã tiến hành hỗ trợ cho 40.000 lượt hộ dân những phương tiện sản xuất cơ bản, như: trâu, bò, máy xay xát, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, bình phun thuốc bảo vệ thực vật, máy thái cỏ mi ni, máy sấy chè... Nhờ vậy, tỷ lệ đói nghèo hằng năm của tỉnh đã giảm từ 6-7%.
Nhờ việc thực hiện, triển khai đúng, trúng với nhu cầu thực tế của người dân đã đem lại cho Hà Giang gần 70 mô hình phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc. Phần lớn các mô hình này đều đã được nhân rộng, áp dụng trong thực tiễn; trình độ, năng lực quản lý, điều hành dự án của đội ngũ cán bộ cơ sở đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong quá trình thực hiện các dự án, chương trình xoá đói giảm nghèo đề ra.
Phương tiện sản xuất- yếu tố cần và đủ
Nói về tính hiệu quả của việc hỗ trợ phát triển sản xuất, ông Đỗ Tấn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho rằng: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thực sự là một trong những chương trình có tính chất “hạ núi mở đường”, giảm khó khăn, tạo nhiều thuận lợi mới cho người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Không những vậy, dự án còn giúp cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện mở rộng diện tích đất sản xuất và diện tích lúa nước hằng năm, từ đó sản lượng lương thực không ngừng tăng nhanh...
Cách đây vài năm, gia đình ông Vàng Mý Páo ở huyện Hoàng Su Phì vốn là một trong những hộ thuộc diện đói nghèo, thiếu ăn quanh năm. Nhưng từ khi được CT 135 hỗ trợ mua trâu, gia đình ông đã thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa. “Nhờ có con trâu mà việc làm đất để trồng lúa, trồng ngô đã giúp gia đình tôi chủ động được hơn, không còn lo bị chậm mùa vụ nữa. Lúa, ngô cũng theo đó mà về nhà nhiều hơn...”-ông Vàng Mý Páo tâm sự.
Có thể nói, cái được lớn nhất trong việc thực hiện CT 135 giai đoạn II ở Hà Giang đó chính là người dân đã có cơ hội, điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật; nhiều loại giống mới được khảo nghiệm đưa vào sản xuất. Trên cơ sở đó, nhiều nơi đã xoá bỏ phương thức canh tác lạc hậu, người dân đã biết trồng lúa nước, thâm canh tăng vụ, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi trâu bò, dê, cá, gà... theo phương thức khoa học, tiên tiến... Nhiều địa phương đã định hướng phát triển các giống cây trồng tập trung theo hướng hàng hoá gắn với thị trường. Phần lớn con em gia đình khó khăn đã được hỗ trợ kinh phí để đến trường, khám chữa bệnh miễn phí. Đặc biệt, việc chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh đã được bà con chú ý, bảo vệ thông qua hệ thống trạm y tế xã, không ai còn mời thầy cúng, thầy mo về chữa bệnh như trước đây...
Bài, ảnh: Hoàng Thanh
(Nguồn: Báo DT&PT)
[TT: N.T.V]