Chương trình 135 ở Long Phú, Sóc Trăng: Tăng thêm lòng tin cho nhân dân

Chương trình 135 ở Long Phú giai đoạn I được triển khai ở 6/15 xã, thị trấn với tổng số 38 ấp có 94.062 người; trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 51%.

Ngoài ra, huyện Long Phú còn được Trung ương hỗ trợ đầu tư một trung tâm cụm xã. Sau 7 năm thực hiện, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm... đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Những năm qua, nhiều đoạn đường qua các xã vùng sâu của huyện Long Phú đều được cải tạo nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình 135, nên đường giao thông trong vùng được thuận lợi hơn nhiều. Không chỉ đường sá thông suốt mà nhiều công trình hạ tầng cơ sở tiêu biểu cho bộ mặt nông thôn vùng sâu không ngừng đổi mới. Tại nhiều xã xuất hiện nhiều công trình thuỷ lợi, cầu cống, trường học, trạm y tế bề thế.

Chương trình 135 phát triển kinh tế xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng thuộc 54 xã, trong đó Long Phú có 6 xã được thụ hưởng ưu đãi của chương trình này. Ngoài công trình điện, đường, trường, trạm còn có các công trình hạ tầng như: chợ, giáo dục, trung tâm cụm xã, thuỷ lợi... làm động lực phát triển cho cả vùng. Từ đó, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con dân tộc trong vùng. Đặc biệt là tăng tỷ lệ học sinh đến trường, từng bước đưa các xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Biết, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Những công trình hạ tầng được xây dựng đã làm tăng thêm lòng tin của nhân dân. Có thể nói, nhờ chương trình này mà vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được cải thiện rất nhiều, rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể”.

Nếu trước đây, trong 6 xã đặc biệt khó khăn của Long Phú thì chỉ có 30% xã có đường xe ô tô nối với trung tâm huyện, 70% xã có trạm y tế, 10% có điện lưới sử dụng thì đến nay đã có 100% xã đã có các công trình trên. Điều đáng kể là hiện nay các xã đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế khang trang, Đài truyền thanh và có trường trung học kiên cố. Hiệu quả rõ nhất là các xã có công trình thuỷ lợi được xây dựng đã giúp nhân dân tăng vụ lúa từ một đến 2 - 3 vụ/năm, kết hợp trồng cây màu luân canh và nuôi thuỷ sản. Chẳng những thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu mà còn giảm được tỷ lệ hộ nghèo của từng địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết: “Trong giai đoạn I của Chương trình 135 (từ năm 2000- 2006), huyện đã xây dựng được 56 công trình với tổng mức vốn đầu tư gần 16 tỷ đồng, trong đó có vốn đối ứng của địa phương gần 400 triệu đồng. Các công trình này đã phục vụ cho trên 48 ngàn đối tượng là người dân tộc Khmer trong huyện. Đồng thời, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, góp phần nâng giá trị sản phẩm của huyện tăng bình quân mỗi năm là 8% và giảm hơn 5% hộ nghèo. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động”.


Thạch Pích
 In bài viết
Văn bản điều hành