Chương trình 135 ở Mang Yang: Đầu tư tập trung, hiệu quả cao
Nhận thức đúng, đủ tầm quan trọng của Chương trình 135, trong những năm qua, huyện Mang Yang (Gia Lai) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình, đặc biệt huyện chủ động lồng ghép nguồn vốn 135 với nhiều nguồn lực đầu tư khác. Nhờ vậy, chương trình (CT) đã mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn phát triển. Tỷ lệ đói nghèo hằng năm giảm dần. Hàng loạt công trình hạ tầng cơ sở trọng điểm, hỗ trợ sản xuất phù hợp với địa bàn.
Đầu tư không dàn trải
Đã có một thời, đời sống kinh tế - xã hội của các xã 135 trên địa bàn huyện rất nghèo. Phần lớn dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, với tập quán canh tác lạc hậu, phân bố rải rác; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ tự phát. Hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu và thiếu thốn, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn nhất là trong mùa mưa. Điện lưới Quốc gia chỉ đến được trung tâm xã và mới có khoảng 40% số hộ gia đình có điện sinh hoạt. Tình trạng thiếu trường lớp, học sinh học 3 ca, tỷ lệ học sinh bỏ học, các trạm y tế chưa có bác sĩ, y tá phụ trách… còn khá phổ biến. Tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 40%...
Những khó khăn đó đã tạo nên khoảng cách chênh lệch khá lớn về đời sống, kinh tế - xã hội giữa các xã ĐBKK với các xã khác trên địa bàn huyện. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách? Đó là nỗi trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trong hoàn cảnh ấy, Mang Yang được Chính phủ đầu tư CT 135 giai đoạn I và giai đoạn II là 4 xã (Kon Chiêng, Đăk Trôi, Đê Ar và Lơ Pang) và 28 làng đặc biệt khó khăn khu vực II của Mang Yang tiếp tục được hỗ trợ đầu tư…
Từ thực tiễn kinh nghiệm triển khai CT 135 giai đoạn I, giai đoạn II, huyện chủ động lồng ghép các nguồn vốn, lựa chọn dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ sản xuất. Theo đó, Mang Yang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn CT 135 giai đoạn II mỗi năm đều tăng lên: năm 2006 là 1,73 tỷ đồng, năm 2007 là 2,41 tỷ đồng, năm 2008 là 7,58 tỷ đồng và năm 2009 kế hoạch giải ngân là 8,22 tỷ đồng; các chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp và thuế nhà đất, các hoạt động trợ cước, trợ giá; cấp muối I-ốt, dầu thắp sáng, báo và tạp chí đến các thôn, bản thuộc các xã ĐBKK được triển khai đồng bộ…
Ông Võ Văn Vinh, Chủ tịch xã Đê Ar phấn khởi cho biết: Với nguồn vốn đầu tư CT 135 giai đoạn II từ năm 2006 đến nay là gần 2 tỷ đồng. Xã đã chọn lựa những hạng mục thiết thực, phù hợp với đặc thù địa lý, thổ nhưỡng, dân tộc, tập quán sản xuất của bà con. Do vậy, năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 6%. Đê Ar phấn đấu đến năm 2010, thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, Đê Ar đang tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, quyết tâm xây dựng nông thôn mới, sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn”.
Khai thác nguồn lợi phát triển sản xuất xoá đói, giảm nghèo
Nhờ có nguồn vốn đầu tư từ CT 135, cho đến nay, Mang Yang đã xây dựng được hàng chục kilômét đường nhựa liên xã, thôn, buôn; nhiều công trình hạ tầng đã và đang phát huy hiệu quả phục vụ đời sống dân sinh. Thông qua hợp phần hỗ trợ sản xuất, diện tích trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cho thu nhập cao như: cao su, ca cao, cà phê, tiêu, điều… tăng dần và từng bước được huyện quy hoạch thành vùng cây công nghiệp - cây chủ đạo thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Mang Yang đưa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường như: măng Bát Độ, bò sinh sản, lợn, gà... vào tăng gia, sản xuất; Mang Yang đã chấm dứt được tình trạng học 3 ca và trường lớp tạm, trên 95% các cháu trong độ tuổi được đến trường và có đầy đủ sách vở để học tập; 100% xã có trạm y tế và bác sỹ, hoặc y tá phụ trách; 100% dân ở các xã ĐBKK và người nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các hoạt động văn hóa cộng đồng được quan tâm đầu tư, khơi dậy truyền thống văn hoá dân tộc, tạo động lực tinh thần cho bà con.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội ở Mang Yang là do các cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai nghiêm túc CT với những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, huyện tích cực khai thác các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả. Các chương trình, dự án, chính sách khi triển khai đều được bàn bạc công khai, dân chủ trong lãnh đạo, mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tranh thủ sự đồng tình và hưởng ứng, thu hút được nguồn nội lực trong dân. Hiện nay, đồng bào các dân tộc Mang Yang phấn khởi, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, khai thác hưởng lợi từ các công trình phúc lợi, tích cực tham gia phát triển sản xuất xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
(Nguồn: Báo DT&PT)
[TT: N.T.V]