Chương trình 135 tại tỉnh Sóc Trăng góp phần đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất hiệu quả
Thông qua Hội nghị tổng kết Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn 2010-2015 của tỉnh Sóc Trăng (diễn ra ngày 19/2) đã đánh giá việc triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã được Chương trình 135 đầu tư, hỗ trợ trên 363 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 342 tỷ đồng, vốn lồng ghép là 13,8 tỷ đồng, vốn hỗ trợ khác trên 7,35 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn trên, Sóc Trăng đã đầu tư 62 tỷ đồng phát triển sản xuất cho các hộ dân đồng bào Khmer khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn, trang thiết bị phục vụ sản xuất cho bà con. Ngoài ra, các hộ dân còn được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ năng quản lý, áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ để cải thiện đời sống. Chương trình 135 cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ vùng đồng bào dân tộc Khmer cho hơn 3.000 lượt cán bộ xã, ấp. Kết quả, 5 năm qua, Sóc Trăng đã hỗ trợ, đầu tư về vốn giúp cho 11.359 hộ dân Khmer nghèo, khó khăn phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, vượt qua khó khăn và đã thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, Chương trình 135 cũng đã phân bổ 283,3 tỷ đồng vào mục đích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; thực hiện xây dựng, đưa vào sử dụng 431 công trình, trong đó có 355 công trình đường giao thông, 19 công trình thủy lợi, 37 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trạm y tế, 13 trường học, 2 chợ nông thôn; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp 156 công trình giao thông nông thôn khác.
Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Nhờ việc thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đến cuối năm 2015, Sóc Trăng đã có 7/44 xã đặc biệt khó khăn và 12/72 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã Khu vực II đã hoàn thành Chương trình 135; có 19/22 xã điểm được công nhận xã Nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo tại Sóc Trăng giảm từ 24,31% (năm 2010) nay xuống còn 8,88%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm hàng năm từ 3,5-4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung của tỉnh 1-2%.
Để phát huy hiệu quả Chương trình 135, khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 mới được Chính phủ phê duyệt, theo ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị để kiểm tra, giám sát việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; quan tâm, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ vùng đồng bào dân tộc phụ trách công tác giảm nghèo; huy động các nguồn vốn, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao giá trị, hiệu quả các công trình phục vụ vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn của địa phương… ; phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc./.
KT