Chuyển đổi mới ở xã Hố Mít

Với người dân xã Hố Mít (Than Uyên - Lai Châu), hình ảnh những con đường hiểm trở, toàn đá hộc trước kia chỉ còn trong ký ức. Nhờ sự đầu tư của Chương trình 135 và nhiều chương trình, dự án khác, Hồ Mít đã chuyển mình. Không những thế, trình độ sản xuất của bà con cũng được nâng cao, góp phần đẩy lùi đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo con đường uốn quanh sườn núi như một dải lụa, trung tâm xã Hồ Mít hiện ra trước mắt chúng tôi, trông hiện đại và nhộn nhịp như một thị tứ. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang làm cho bức tranh phố núi thêm sinh động, lẫn trong sương sớm là nếp nhà của đồng bào Mông với làn khói trắng êm đềm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thào A Sinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Có thể khẳng định, Chương trình 135 đã thực sự tạo nên luồng gió mới cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Với nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng, chúng tôi tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng. Đến nay, đường ô tô đã về với trung tâm xã, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 250ha diện tích lúa nước 1 vụ và 30ha lúa nước 2 vụ". Đây cùng là tiền đề quan trọng để đồng bào từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Do điều kiện địa hình núi đá, diện tích đất trồng thiếu nên bà con chuyển sang trồng đậu tương, thảo quả, chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, cuộc sống của bà con được cải thiện đáng kể.

Đến thăm anh Vừ A Sinh ở bản Suối Lĩnh A, điều đầu tiên anh khoe với chúng tôi là gia đình anh đã được dùng nước sạch sinh hoạt và điện. "Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có ngày hôm nay. Có điện, nước sạch, cuộc sống của chúng tôi như bước sang trang mới", anh Sinh nói. Niềm vui ấy không phải chỉ của riêng anh Sinh, bởi đến nay, xã đã có 6/8 bản có nước sinh hoạt, ánh điện chan hòa khắp nơi. Trường học khang trang đã huy động được trên 95% trẻ trong độ tuổi đến trường. Việc triển khai đồng bộ các chương trình kinh tế, xã hội đã giúp giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo xuống dưới 30%.

Về những định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Sinh cho biết, xã sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư xây dựng hạ tầng; tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm để nâng cao trình độ canh tác cho người dân. Ưu tiên đầu tư phát triển cây thảo quả, một trong những thế mạnh của xã

Theo Khánh Phương
(Kinh tế VAC chuyên đề DTTDMN số 5/2009)

[TT: N.T.V]

 In bài viết
Văn bản điều hành