Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh: Cuộc sống ngày một đổi thay

Trong những năm qua, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về vận động quần chúng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành quan tâm thiết thực việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 17 dân tộc thiểu số đang sinh sống, chiếm khoảng 1,69% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, có 4 dân tộc thiểu số đông nhất là: Khmer 7.158 người (0,65%), Hoa 4.542 người (0,5%), Chăm 3.312 người (0,30%) và Tà Mun 1.839 người (0,17%). Ngoài ra còn một số dân tộc khác có số lượng ít hơn nhiều (0,07%).

Chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được cụ thể hoá bằng chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt (gọi tắt là Chương trình 134) và chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135). Việc thực hiện hai chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Các công trình hạ tầng như giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm xá, điện đã làm thay đổi diện mạo các vùng biên giới. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã hướng dẫn đồng bào áp dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả khả quan. Trong thời gian từ năm 1999 đến hết năm 2009, chỉ riêng Chương trình 135 đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn của Chương trình 134 và 135, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và nhà ở. Một số địa phương đã thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số như Châu Thành đã cấp cho mỗi hộ 1 ha đất sản xuất. Ở Tân Châu, mỗi hộ được cấp 0,5 ha từ quỹ đất của địa phương. Tại xã Hoà Thạnh của huyện Châu Thành, tất cả các hộ người dân tộc Khmer đã xoá được tình trạng nhà dột nát, tranh tre, nứa lá nhờ thực hiện chương trình nhà đại đoàn kết dành cho hộ nghèo.

Hiệu quả từ Chương trình 134 và 135 là không nhỏ, giúp nâng cao đời sống, kinh tế, văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ rất mạnh của Chính phủ, thông qua Chương trình 134 và 135, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức xây dựng cơ sở vật chất, tạo mọi điều kiện tốt nhất để con em đồng bào các dân tộc thiểu số được đến trường. Học sinh người dân tộc thiểu số được miễn học phí, được trợ giúp sách giáo khoa và nhiều dụng cụ học tập khác. Tại một số địa phương như xã Hoà Thạnh (Châu Thành), Suối Dây, Tân Đông (Tân Châu), tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường chiếm tỷ lệ rất cao. Nhiều em sau khi học xong phổ thông đã tiếp tục lên đại học. Ở thị xã Tây Ninh, một số trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số như Vừ A Dính, Thạnh Tân B (đạt chuẩn quốc gia), Nguyễn Khuyến, Ngô Quyền…

Đối với các sinh viên người dân tộc thiểu số, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để các em được vay tiền theo chương trình tín dụng sinh viên phục vụ việc học tập. Chế độ cử tuyển giúp hàng trăm học sinh người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản tại các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học. Lực lượng này sẽ là cán bộ nguồn cho các địa phương về sau. Ngoài việc học chung chương trình phổ thông, học sinh một số dân tộc thiểu số còn được tạo điều kiện học tiếng mẹ đẻ nhằm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

Cùng với giáo dục, mạng lưới y tế cơ sở dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm hơn. Các hộ nghèo ở các xã vùng sâu vùng xa đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Số hộ sống tại các vùng nội địa cũng được hưởng chế độ miễn giảm viện phí theo quy định. Đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống các loại dịch bệnh và sinh đẻ có kế hoạch.

Vào các dịp lễ, tết của đồng bào, lãnh đạo các cấp đều đến thăm hỏi, chúc mừng. Góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, hiện nay, ngành chức năng đã hoàn thành công trình khoa học “Khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu và chọn lọc dân ca Tây Ninh”. Công trình này đã sưu tầm được 20 bài dân ca của người Chăm, 7 bài của người Khmer, 5 bài của người Tà Mun và 1 bài của người Stiêng. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí để đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao ở cấp quốc gia và khu vực.

Khó khăn chưa phải đã hết, song điều không thể phủ nhận là chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh ngày nay đã khác xưa rất nhiều.

Hiện nay, toàn tỉnh có 86 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 7 người là đại biểu hội đồng nhân dân xã; 45 người là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện và xã. Một số tổ chức chính trị, xã hội như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân các cấp đều có người dân tộc thiểu số tham gia. 16/32 khu phố, ấp của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận là khu phố, ấp văn hoá. Qua các phong trào như thi đua yêu nước, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có 9 tập thể và 73 cá nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen./.

Theo Báo Tây Ninh

[TT: NTV]

 In bài viết
Văn bản điều hành