Công trình 135 tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình 135, hàng trăm công trình hạ tầng cho các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi. Vận hành, bảo trì như thế nào để đảm bảo phát huy hiệu quả sau đầu tư công trình đang là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương.

Phát huy hiệu quả các công trình 135
Công trình đường, ngầm tràn và đập dâng nước phục vụ tưới tiêu tại thôn Tầm Làng, xã Quảng An (Đầm Hà) được hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 135.
 

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135, những năm qua, huyện Bình Liêu đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng cho các xã khó khăn, nâng cao đời sống người dân. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: Đập thủy lợi, kênh mương, đường giao thông, nhà văn hóa thôn... đã giúp cho người dân trên địa bàn thuận tiện hơn trong việc đi lại cũng như phục vụ đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Để các công trình này mang lại hiệu quả nhất, huyện Bình Liêu đã làm tốt việc giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng ngay trong quá trình đầu tư. Cùng với đó, thực hiện phân cấp mạnh cho các xã, phát huy vai trò của cơ sở trong làm chủ đầu tư các công trình. Đồng thời, thường xuyên củng cố vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong quá trình thi công cũng như sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.

Công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và phục vụ sản xuất Hòn Thỉn, bản Lý Khoái, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135 với tổng mức đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, công trình đã và đang cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 hộ dân, 1 trường tiểu học và nước tưới cho hơn 5ha đất nông nghiệp trên địa bàn. Để phát huy hiệu quả của công trình, xã Quảng Lâm đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn tốt công trình, đồng thời yêu cầu các cán bộ chuyên môn định kỳ kiểm tra việc vận hành, để đảm bảo khai thác tối đa công năng sử dụng, kịp thời bảo trì, sửa chữa nếu có hư hại.

Với những công trình có quy mô đơn giản, việc giao cho cộng đồng giám sát sẽ góp phần nâng cao chất lượng, đồng thời cũng giảm chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng. Từ khi công trình đường nối trung tâm xã Kỳ Thượng (Hoành Bồ) đến thôn Khe Phương được khởi công, Ban Công tác mặt trận thôn đã họp bàn, thống nhất thành lập Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát cộng đồng. Quá trình xây dựng tuyến đường, địa phương đã lựa chọn một số thành viên có trình độ, am hiểu về kỹ thuật xây dựng tham gia vào Ban giám sát cộng đồng. Không chỉ giám sát chặt chẽ từ khâu thiết kế, chất lượng đất đá, xi măng mà Ban giám sát cộng đồng cùng với Ban thanh tra nhân dân còn có trách nhiệm theo dõi cả quá trình thi công. Qua giám sát cũng đã phát hiện và kiến nghị chủ đầu tư kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các tổ thợ thi công công trình đúng theo thiết kế, yêu cầu, đảm bảo chất lượng dự án.

Để phát huy hiệu quả các công trình 135 sau đầu tư, các địa phương cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân được giao quản lý, vận hành và sử dụng công trình; làm tốt việc kiểm tra, giám sát vận hành. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ, để các công trình được sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa công năng.

 

 In bài viết
Văn bản điều hành