Cuộc sống mới của người dân huyện Minh Hoá
Hoá Sơn, một xã biên giới của huyện Minh Hoá (Quảng Bình), trước đây muốn vào Hoá Sơn chỉ có con đường duy nhất qua eo Lập Cập. Việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, hàng hoá của người dân không giao thương được với bên ngoài, chăn nuôi hàng ngàn con trâu bò nhưng không bán được vì khi lên được một phần đèo Lập Cập là trâu bò chùn chân, khuỵu gối rồi nằm lại không chịu đi nữa. Chính vì thế mà số lượng trâu bò trong xã tăng gấp ba, bốn lần so với số người dân trong xã.
Từ khi có con đường Hồ Chí Minh và con đường xẻ núi qua eo Lập Cập, Hoá Sơn có điều kiện giao lưu với cư dân các xã phía ngoài như Hoá Hợp, Hoá Tiến.... Cuối năm 2009, ông Cao Hồng Giáo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hoá Sơn mừng rỡ kể rằng: Hiện nay xã đã có 5 xe vận tải, trong đó có 2 ô tô tải lớn, nhờ đó mà nhu cầu vận tải lưu thông hàng hoá không bị động. Ngoài con đường từ Hoá Hợp vào, trên địa bàn xã đang thực hiện làm các tuyến đường liên thôn, liên bản phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hoá Sơn là một trong 35 xã được hưởng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II. Đến cuối năm 2009, thực hiện việc giao đất, giao rừng, để tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân trồng rừng phát triển kinh tế, 236 hộ dân đã được giao gần 770 ha rừng.
Hoá Sơn có hơn 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc người Sách. Trước đây, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay nhờ có Chương trình 135 giai đoạn II, với việc xây dựng các mô hình sản xuất, hỗ trợ đồng bào công cụ sản xuất như máy cày tay, máy bơm nước loại nhỏ... đã làm thay đổi cách thức canh tác, nhằm giúp phát triển kinh tế giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Đời sống được đảm bảo, nhu cầu giải trí cũng vì thế được nâng lên, 100% người dân ở Hoá Sơn đã sử dụng điện thoại, 50% số hộ có tivi, rađiô, xe máy... Năm qua, giá trị sản xuất của xã Hoá Sơn đạt trên 3 tỷ đồng, tổng đàn gia súc đạt 2.400 con, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 7%/năm...
Cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, đời sống được nâng lên, đến nay Hoá Sơn có 320 học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, 100% trẻ trong độ tuổi đã được đến trường. Ông Cao Hồng Giáo cho biết thêm: “Trường học ở Hoá Sơn có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có trình độ và yêu nghề, trang thiết bị dạy học đảm bảo; trạm xá có bác sỹ và đều đạt chuẩn quốc gia. Đây là điều hết sức đáng phấn khởi đối với một xã miền núi rẻo cao như Hoá Sơn”.
Chương trình 135 giai đoạn II đã tạo ra cơ sở hạ tầng thiết yếu khá đồng bộ ở các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện, đường, trường, trạm đã góp phần tích cực cải thiện điều kiện dạy và học. Đến nay, 100% xã có trường tiểu học và trường trung học cơ sở...
Trong 4 năm đã có gần 4.400 lượt cán bộ xã, thôn, bản được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II, được tập huấn nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 84 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thiết bị máy móc, công cụ sản xuất… Và thiết thực nhất, kết quả thu được đáng kể nhất đó là: Qua quá trình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, lồng ghép kết hợp với các chương trình, dự án khác ở các xã và thôn, bản đến nay trên địa bàn đã giảm được gần 5.000 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 5,2%. Ông Trần Công Thuật, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã khẳng định: “Qua 4 năm thực hiện, Chương trình 135 giai đoạn II ở Quảng Bình đã phát huy hiệu quả trên mọi lĩnh vực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đặc biệt khó khăn”.
Từ vùng quê Hoá Sơn nhìn rộng ra cả huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình thì đời sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn đã được nâng cao hơn trước. Và mỗi người dân nghèo vùng núi rẻo cao Quảng Bình tiếp tục phấn đấu nỗ lực để có một cuộc sống no ấm hơn, mang diện mạo vùng quê đổi mới.
Việt Dũng