Cuộc sống mới của người Mông ở xã Cư Knia

Thực hiện chính sách định canh định cư, trong những năm qua, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, đến nay người Mông ở xã Cư Knia đã có cuộc sống thay da đổi thịt từng ngày.

Trên địa bàn xã Cư Knia có các thôn 7, 9, 10 là nơi cư trú của đa số người Mông ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến định cư sinh sống. Qua bao nhiêu khó khăn, bước đầu đồng bào về khu vực này được giao đất, giao rừng, được cung cấp dụng cụ và giống cây trồng để sản xuất và được hưởng lợi theo các Chương trình 134, 168 và 135 của Chính phủ.

Ông Giàng A Páo- Trưởng thôn 10 xã Cư Knia cho biết: “Trước đây chưa được định cư, cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhưng nhờ chính sách định canh, định cư của Chính phủ, người dân đã bớt đi những khó khăn, cuộc sống dần đi vào ổn định, đồng bào yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Để giúp cho bà con định canh định cư, ổn định cuộc sống, trong thời gian qua, UBND huyện Cư Jút đã đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm... và hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi tới bà con.

Bà Nông Thị Hỡi, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Knia cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Cư Knia có khoảng trên 200 hộ gia đình là đồng bào dân tộc Mông. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây đã đổi thay đáng kể. Các hủ tục lạc hậu dần bị xoá bỏ, thêm vào đó là luồng gió mới từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Uy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã làm bộ mặt thôn bản ngày càng thay đổi. Hiện nay toàn xã có trên 60% hộ gia đình người Mông có đời sống kinh tế ổn định, 30% số hộ có kinh tế khá và giàu, 90% số hộ gia đình có điện chiếu sáng, trên 60% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Toàn xã có 3 thôn người Mông được công nhận là thôn văn hoá, trên 50% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa.

Ông Hoàng Văn Hán ở thôn 9 xã Cư Knia 3 năm liền được công nhận là gia đình văn hoá, tâm sự: “Trong những năm qua, nhờ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đời sống của người dân đã thay đổi đáng kể. Các hủ tục lạc hậu dần được xoá bỏ, người ốm đau trong thôn đã được các y bác sỹ đến khám và cấp thuốc. Đồng bào thật sự yên tâm trong lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển”.

Hy vọng, trong những năm tới người Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc ở xã Cư Knia nói chung sẽ đoàn kết hơn nữa tập trung xây dựng và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương, từng bước làm khởi sắc một xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Cư Jút.

Văn Trọng

 In bài viết
Văn bản điều hành