Cuộc sống mới ở xã Thành Long

Cuộc sống của đồng bào xã Thành Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) còn gặp rất nhiều khó khăn, đường giao thông đi lại không thuận tiện, người dân trong xã sống không tập trung, ở các thôn bản xa trung tâm người dân còn chịu cảnh thiếu trường, thiếu điện... nhờ có nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 cộng thêm sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo muốn đưa đời sống của nhân dân trong xã mình từng bước thoát khỏi đói nghèo. Từ năm 2009 đến nay, xã đã hoàn thành 7 công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135: San ủi mặt bằng chợ trung tâm xã, Trường Mầm non Thành Long; hoàn thành hệ thống thoát nước tuyến đường đi Trung Thành; xây dựng đường điện 0,4 KV ở các thôn Phúc Long 1, Đoàn Kết 1, Trung Thành 1; hoàn thành và đưa vào sử dụng lớp học Trường tiểu học thôn Phúc Long 1. Và một số công trình mới từ nguồn vốn 135 như công trình đường điện 0,4 KV thôn Đoàn Kết 2, Hưng Long; xây dựng cầu tràn thôn Phúc Long 3 cũng đã được đưa vào sử dụng.

Ông Trương Xuân Đàm, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, của địa phương, nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội được triển khai ở đây đã mang đến cho xã Thành Long một sự thay đổi lớn. Giao thông đi lại thuận tiện không phải bộ mấy ngày từ trung tâm huyện mới vào được xã như trước đây và điều làm chúng tôi vui nhất, các em học sinh không phải học trong ngôi trường lợp bằng tấm lợp brô xi măng, nhà vách nứa nữa vì những hôm trời mưa thầy và trò không thể học được mà thay vào đó là căn nhà cấp 4, với 3 phòng học”.

Không chỉ có vậy phương pháp chăn nuôi, trồng lúa áp dụng kỹ thuật mới nhất được cán bộ của chương trình xuống tận xã, đến từng hộ gia đình hướng dẫn cho bà con cách làm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cho thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ vào sự phát huy nguồn vốn đó. Cũng từ cách biết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích mà đến nay mà số hộ nghèo trong xã đã giảm đáng kể. Như gia đình Vũ Xuân Hà, ở thôn Phúc Long 1, xã Thành Long, đã phấn đấu thoát nghèo và làm giàu nhờ nguồn vốn của Chương trình. Đến thăm anh, cùng anh đi thăm đồi cam ngút mắt trước nhà chúng tôi phần nào hình dung được hiệu quả rất lớn mà Chương trình 135 mang lại cho người dân nơi đây. Anh Hà tâm sự: “Trước đây gia đình tôi với 5 khẩu ăn, các các cháu đều đang tuổi đến trường, tất cả đều trông chờ vào vườn cam, có năm được mùa, có năm lại thất bát, cực lắm. Vợ chồng tôi cực chẳng đã phải cho cháu lớn nghỉ học, rồi tưởng rằng lại đến cháu thứ hai cũng phải bỏ học nửa chừng. Nhưng thật may từ khi nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngoài trồng cây cam chúng tôi biết đến trồng trọt những cây ngắn ngày và chăn nuôi theo mô hình, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên gia đình tôi đã từng bước cải thiện được cuộc sống, các cháu lại được đến trường...”.

Nhiều hộ ở xã Thành Long, sau khi học hỏi mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình nhà anh Hà đã cho hiệu quả kinh tế cao, tạo được nhiều vườn cây, chuồng trại, ổn định cuộc sống, các vật dụng trong gia đình đã trang bị đầy đủ, có nhà còn mua được máy xay xát gạo, mày cày, máy tuốt lúa... Giao thông đi lại thuận tiện, trẻ em trong thôn được học tập dưới mái trường khang trang, người dân nông thôn từng bước thay đổi tập quán lạc hậu, biết đầu tư vốn, giống, cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình nuôi bò, trâu, lợn sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các nghề truyền thống được duy trì và phát triển như trồng cam, chè...

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Hàm Yên đã được đầu tư và nâng cấp gần 30 km đường giao thông nông thôn, 5 cầu tràn liên hợp. Bê tông hoá 8,2 km kênh mương, xây dựng mới và sửa chữa 6 công trình thuỷ lợi phục vụ nước tưới hàng trăm ha lúa hai vụ và hoa màu. Xây dựng 1 trạm biến áp và 21 km đường điện 0,4 KV, 12 phòng học cho 6 điểm trường, 3 nhà ở tập thể giáo viên, 12 nhà sinh hoạt cộng đồng và 1 nhà lồng chợ. Bên cạnh những công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nguồn vốn 135 đã giúp người dân trên địa bàn 6 xã đặc biệt khó khăn và 17 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 5 xã khu vực II có nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh hỗ trợ giống cây cam, là cây đặc sản của địa phương, Chương trình còn giúp bà con phát triển mô hình nuôi gà thả đồi, nuôi nhím, nuôi lợn trâu, bò, trồng lúa lai, hỗ trợ hàng trăm máy móc phục vụ sản xuất, dạy nghề cho 463 đối tượng là thanh niên dân tộc thiểu số, đào tạo tin học cho 86 cán bộ xã; tập huấn kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho 3.217 lượt người; tổ chức cho 60 cán bộ xã, thôn bản đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn. Chương trình 135 giai đoạn II còn quan tâm, hỗ trợ 6.414 học sinh nghèo các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; 60% xã, thị trấn có đủ trường, lớp học kiên cố; 89% thôn, tổ nhân dân có điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có trạm y tế.

Từ những kết quả đã đạt được, bộ mặt nông thôn vùng đặc biệt khó khăn có sự chuyển biến rõ rệt, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Chương trình 135 đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần làm đời sống nhân dân từng bước ổn định, tạo sự chuyển biến vùng nông thôn miền núi.

Ông Hà Phúc Phình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên khẳng định: Đối với Hàm Yên, Chương trình 135 giai đoạn II đích thực là “cứu cánh” của người dân vùng đặc biệt khó khăn và của huyện”. Theo ông Phình, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 được huyện sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích với phương châm: Xã có công trình, dân có việc làm. Với phương châm này, người dân vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi và được tham gia vào quá trình giám sát thực hiện công trình. Trên cơ sở nguồn vốn được tỉnh giao, huyện xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các công trình, dự án xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các xã, thôn và thanh niên dân tộc thiểu số. Thực hiện quy chế dân chủ, công khai các danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư của chương trình ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ sự tham gia của nhân dân về giám sát đầu tư chương trình nên hiệu quả của mỗi công trình đều được phát huy cao nhất.

Việt Dũng
Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)

[TT: H.T.N

 In bài viết
Văn bản điều hành