Đắc Ga vươn lên từ mô hình điểm
“Làng Biên phòng” - đó là cách gọi của một số người, chứ thật ra đến thời điểm này, Đắc Ga vẫn chưa có hộ gia đình quân nhân biên phòng nào đến đây lập nghiệp. Tháng 5-2008, Đắc Ga (xã Đắc Nhoong - Đắc Lây) được Bộ chỉ huy BĐBP Kon Tum chọn làm điểm xây dựng mô hình “giúp dân phát triển KT-XH” và chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống của đồng bào dân tộc Dẻ nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Bộ mặt thôn làng ngăn nắp sạch đẹp hơn, còn người dân thì đang tràn đầy niềm tin trước cơ hội thoát nghèo...
Làng kiểu mẫu
Thôn trưởng A Ver là người dân tộc Dẻ sống ở làng Đắc Ga đã lâu lắm rồi. Hơn ai hết, ông hiểu tình cảm của BĐBP dành cho bà con trong làng, trong xã suốt mấy chục năm qua. Điều làm thôn trưởng A Ver ấn tượng nhất chính là “cái tâm” của người lính Cụ Hồ mỗi khi gần dân, nó giống như ngọn lửa thắp sáng đất rừng biên giới, giúp bà con vượt qua bao khó khăn trong suốt cuộc hành trình dựng xây cuộc sống. Xã Đắc Nhoong là một trong những điểm sáng văn hóa đầu tiên trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum và những đóng góp của chiến sĩ BP được người dân nơi đây ghi nhận như “bước tạo đà” quan trọng nhất để xây dựng Đắc Nhoong trở thành địa phương phát triển một cách toàn diện...
Tuy nhiên, thôn trưởng A Ver cũng biết, muốn xây dựng Đắc Ga thành ngôi làng điển hình trên vùng biên giới trước hết phải “đi” từ hộ gia đình, phải xóa bỏ dứt điểm tình trạng đói nghèo vẫn xảy ra đâu đó trong thôn vào mùa giáp hạt. Ông nhớ lại: “Giữa tháng 6-2008, BĐBP và UBND xã tổ chức một cuộc họp ngay tại nhà mình để bàn kế hoạch xây dựng mô hình giúp dân ở làng Đắc Ga. Mình vui lắm vì cùng một lúc bà con được hỗ trợ rất nhiều thứ như: Vật liệu xây dựng để xóa nhà tạm, cây con giống để phát triển kinh tế và vấn đề y tế chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra BĐBP còn mở lớp xóa mù chữ cho 30 người lớn tuổi bị thất học trong làng, đầu tư nâng cấp nhà rông văn hóa để người làng có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và tổ chức các lễ hội truyền thống...”.
Có thể khẳng định việc BĐBP Kon Tum lựa chọn làng Đắc Ga để đầu tư xây dựng mô hình điểm giúp dân phát triển KT-XH bước đầu đã tạo nên vóc dáng một ngôi làng kiểu mẫu trên vùng biên giới cực Bắc Tây Nguyên. Mặc dù chương trình mới vừa triển khai được 6 tháng nhưng cuộc sống của 67 hộ gia đình dân tộc Dẻ nơi đây đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Những hộ gia đình kinh tế khó khăn nhất trong thôn được Ban chỉ đạo chương trình lập danh sách, đề ra phương án cụ thể nhằm xóa đói giảm nghèo một cách nhanh nhất. Đầu tiên là “chiến dịch” xóa nhà tạm bợ, tăng cường công tác y tế, vệ sinh thôn làng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng biên giới. Tiếp đến là hỗ trợ cây con giống, chuyển giao kỹ thuật tổng trị giá hàng trăm triệu đồng để khuyến khích bà con phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình...
Đại tá Lê Văn Thạo, Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum - Trưởng ban chỉ đạo chương trình khẳng định: “Đây là chương trình lớn của BĐBP tỉnh Kon Tum trong năm 2009 và những năm tiếp theo nên chúng tôi đặt ra mục tiêu phải xây dựng Đắc Ga trở thành ngôi làng kiểu mẫu để từ đó nhân rộng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Muốn làm được như thế phải xây dựng bằng được những hộ gia đình kiểu mẫu thoát nghèo nhờ vào chương trình của BĐBP. Chính vì vậy việc đầu tư về con người ở đây là hết sức quan trọng, tất cả cán bộ, chiến sĩ từ Bộ chỉ huy đến đơn vị cơ sở đều phải chung tay góp sức tham gia chương trình...”.
|
Đàn bò của Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai. Ảnh : Tiến ất -TTXVN
|
“Một cán bộ ba hộ gia đình”
Khác với những chuyến về làng thực hiện “4 cùng” trước đây (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với bà con), lần này hành trang của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Kon Tum mang theo có cả những cây, con giống được chọn lọc kỹ càng từ trang trại tăng gia sản xuất để xuống làng “cùng tính toán cách làm ăn” với bà con. Như vậy, yêu cầu công tác vận động quần chúng đặt ra đối với làng Đắc Ga là “5 cùng”, nên nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ BĐBP lúc này có phần vất vả hơn.
Bộ đội về làng mang theo niềm tin, tạo thêm nhiều cơ hội giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống. Làng Đắc Ga hôm nay được đón những “chủ nhân” mang quân hàm xanh về đây “lập nghiệp” nên gọi bằng cái tên “làng Biên phòng” quả cũng không sai. Vui nhất là những hộ gia đình nghèo trong làng. Bà con không ngờ cuộc sống lại thay đổi nhanh đến thế, “chỉ mới qua một giấc ngủ đã có con bò để nuôi, sau một tuần lên rẫy đã có ngôi nhà mới để ở”. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình ở Đắc Ga còn được tiếp nhận hơn 2.000 cây bời lời, cà phê giống đủ để phủ xanh những khu vực canh tác thiếu tính liên kết. Ông A Giáp - một hộ gia đình nghèo trong làng vui vẻ cho chúng tôi biết: “Nếu không có sự giúp đỡ của BĐBP, có lẽ nhà mình còn lâu mới mua được con bò giống để nuôi. Lần này về làng, bộ đội không chỉ hỗ trợ cây con giống mà còn hướng dẫn bà con cách làm ăn, bày cho cách chi tiêu hàng ngày để cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.
Mặc dù mô hình giúp dân phát triển KT-XH ở Đắc Nhoong mới được triển khai 6 tháng và gói gọn trong một ngôi làng, nhưng có thể nói BĐBP Kon Tum đã tập trung nhân lực vật lực, triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra. Đây là bước khởi đầu thuận lợi, tạo tiền đề xây dựng Đắc Ga trở thành ngôi làng kiểu mẫu, để từ đó nhân rộng trên toàn tuyến biên giới nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên.
Thái Kim Nga