Đại Từ: Tạo mọi nguồn lực cho phát triển

Huyện Đại Từ có dân số gần 17 vạn người, trong đó 27% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở các xã phía Bắc của huyện. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương thông qua các chương trình, dự án đã góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Về Đại Từ hôm nay, những đổi thay nhanh chóng không khỏi làm chúng tôi ngỡ ngàng. Cách đây 6-7 năm, hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường, trạm... của các xã hầu như đã xuống cấp; kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao trong toàn tỉnh... Từ năm 2009 đến nay, huyện Đại Từ được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công thông qua nguồn vốn Chương trình 135 góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Công trình đường giao thông liên xóm Na Khâm - Phúc Sơn - Hàm Rồng có chiều dài 1,7km được đưa vào sử dụng năm 2010 là một ví dụ tiêu biểu. Đồng chí Tống Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lương tâm sự: Nếu không có Chương trình 135 mà cứ trông vào nội lực thì một xã nghèo như Phúc Lương biết đến bao giờ mới tự đầu tư làm được một con đường liên xóm. Để hoàn thành con đường với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng này, người dân 2 xóm Na Khâm và Phúc Sơn đã hiến trên 1.800m2 đất để chủ đầu tư nhanh chóng khởi công công trình. Khi con đường được đơn vị thi công bàn giao, nhiều cụ già trong xóm tôi đã không cầm nổi nước mắt, chỉ biết nói lời “cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm...”.

Từ năm 2009 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Đại Từ đã đầu tư 58,08 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Trong đó, giai đoạn 2010-2013, toàn huyện thực hiện đầu tư cho 11 xã và 2 xóm đặc biệt khó khăn xây mới 86 công trình, duy tu sửa chữa 35 công trình. Riêng năm 2014, huyện Đại Từ thực hiện đầu tư 28 công trình và duy tu sửa chữa 3 công trình. Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp người dân vùng dân tộc đặc biệt khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Cao Thế, Bí thư Chi bộ xóm Cao Khản cho biết: Cao Khản là một xóm đặc biệt khó khăn của xã Bản Ngoại với 97 hộ dân, 340 nhân khẩu. Khi được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, chúng tôi tổ chức các cuộc họp xóm, đưa vấn đề hỗ trợ ra bàn bạc dân chủ, tự bình xét cụ thể, xem xét hộ nào cần gì thì đề nghị hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của hộ dân. Nhờ vậy, các chương trình đều đem lại hiệu quả nhất định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xóm từ 50 hộ (2006) xuống còn 26 hộ như hiện nay.

Từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định số 1592 và 755 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, huyện Đại Từ còn tập trung xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã Phục Linh, La Bằng, Quân Chu, Phúc Lương cho 400 hộ dân; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 650 hộ; đồng thời mua máy móc, nông cụ sản xuất cho 145 hộ... với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Không những vậy, trong 5 năm qua, huyện Đại Từ còn thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 12,5 tỷ đồng cho gần 42.400 lượt hộ nghèo. Việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cũng được huyện Đại Từ thực hiện tốt. Năm 2012-2013, huyện đã cấp đủ 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng trên 243.000 tờ mỗi năm; riêng năm 2014, đã cấp bổ sung thêm 5 đầu báo mới với số lượng hơn 262 nghìn tờ cho các đối tượng thụ hưởng...

Có thể nói, thông qua các chương trình, chính sách của Nhà nước đã giúp các hộ nghèo nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống. Không những vậy, các chương trình, chính sách dân tộc còn góp phần tạo việc làm, tăng năng xuất lao động, tạo nền tảng cho sản suất bền vững, thực hiện tốt công tác giảm nghèo của địa phương, cụ thể tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 27,66% (năm 2011) xuống còn 16,1% ở thời điểm hiện nay.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thì: Tất cả các chương trình, chính sách của Nhà nước được triển khai đều đến được với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và không có khiếu kiện xảy ra. Để có được thành công như vậy là nhờ huyện luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đều hướng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, huyện đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín luôn đi đầu trong công việc, tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, đoàn kết vươn lên trong cuộc sống...

 In bài viết
Văn bản điều hành