Đắk Hà, hoà trong niềm vui lớn
150 đại biểu đại diện cho hơn 30.000 đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đắk Hà (Kon Tum). Trong không khí ấm áp, thắm tình đoàn kết, Đại hội đã tổng kết những đóng góp của đồng bào trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời củng cố, thắt chặt truyền thống đoàn kết của các dân tộc.
Tụ họp về đây ai cũng muốn được báo cáo thành tích và cả những tâm tư, nguyện vọng. Qua lời tâm sự của các đại biểu mới thấy các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn có vai trò quan trọng như thế nào trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, cải thiện hệ thống hạ tầng.
Thông qua các chương trình 135, 134 và nhiều chương trình, dự án khác, diện mạo các vùng nông thôn miền núi của huyện đã thay đổi đáng kể. Những con đường thênh thang nối bản xa, buôn gần; trường học, trạm y tế khang trang; điện chan hoà trong từng nếp nhà,... Đến nay, huyện đã giải quyết đất ở cho 509 hộ dân với gần 20ha; trên 700 hộ có 392ha đất sản xuất; xây dựng nhà ở cho 1.602 hộ với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung và 332 giếng nước.
Nhờ sự đầu tư của Chương trình 135, 8/9 xã, thị trấn trong huyện đã có đường nhựa đến trung tâm; 91/93 thôn, tổ dân phố có đường ô tô đi lại thông suốt. Hệ thống kênh mương, thuỷ lợi đảm bảo nước tưới hơn 3.000ha lúa nước 2 vụ, gần 16.000ha cây lâu năm và các loại cây trồng khác.
Đồng thời với hỗ trợ hạ tầng của Trung ương, các cấp chính quyền trong huyện cũng tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng – vật nuôi. Nhờ đó, hơn 60% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng được diện tích khá lớn cây công nghiệp; nhiều gia đình còn xây dựng được các mô hình trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2008, thu nhập bình quân toàn huyện đạt gần 13 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17%.
Anh A Hun ở thôn Đắk Mút (xã Đắk Bla) mang đến Đại hội niềm vui lớn khi mấy năm nay nhờ mùa màng bội thu, gia đình anh đã không chỉ thoát nghèo, gia đình anh có thu nhập trên 130 triệu đồng/năm. Hay ông A Đaoh ở thôn Kon Gu I (xã Ngọc Wang) có thu nhập 80 triệu đồng/năm nhờ áp dụng mô hình kinh tế VAC.
Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, huyện cũng chú trọng nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; lưu giữ và phát triển các giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Huyện đã khôi phục 52 nhà rông truyền thống, lưu giữ 85 bộ cồng chiêng với 63 đội cồng chiêng, trong đó có 5 đội thuộc hạng nghệ nhân; trên 250 nhạc cụ các loại, 26 địa điểm dệt thổ cẩm thủ công. Đồng thời các loại hình lễ hội dân gian được phục hồi và tổ chức thường niên tại 61 thôn làng người dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở đánh giá, tổng kết những mặt làm được và cả tồn tại trong việc thực hiện công tác dân tộc thời gian qua, Đại hội đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc xuống dưới 10%; 100% số hộ có đủ điện, nước sạch sinh hoạt; 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm; giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất...
Nguyên Anh
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
[TT: H.T.N]