Đắk Lắk: Những nỗ lực trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS

Trong những năm qua, cùng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều chính sách riêng để hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS, qua đó giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Từ những chính sách chung...

Thời gian qua, chương trình mục tiêu giảm nghèo đã được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương, với nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo như: chương trình tín dụng ưu đãi; khuyến nông, khuyến lâm; dạy nghề; hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp lý... Tại Đắk Lắk, các dự án giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả, tạo thêm động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, nổi bật là chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều nông dân đã có thêm điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Cụ thể, đến giữa năm 2014, các Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 69.648 lượt hộ nghèo vay vốn, với số tiền 955,8 tỷ đồng. Là một trong những gia đình được vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ năm 2008, đến năm 2012, hộ anh Y Prươi Niê, buôn Cuôr Dăng B, xã Cuôr Dăng (huyện Cư M’gar) đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình ổn định. Anh chia sẻ, trước đây khi không có vốn, vợ chồng anh chỉ chăm sóc, thu hoạch cà phê theo kinh nghiệm, lúc có tiền thì bón phân nhiều, lúc không có thì bón ít nên đến mùa thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nhưng sau khi vay vốn, được cán bộ hướng dẫn, anh đã biết bón phân, tưới nước thế nào cho hợp lý, nhờ đó mấy năm trở lại đây, năng suất cà phê gia đình anh tăng cao hơn những năm trước đó. Đến nay, sau 5 năm quay vòng đồng vốn, gia đình đã trả hết tiền gốc và lãi cho ngân hàng, có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, nuôi con ăn học và tích lũy được 2 con bò giống, 3 con bê, mỗi năm xuất chuồng 2 con.

Cùng với đó, công tác dạy nghề đã và đang góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh ta. Số lượng lao động được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đến nay là 373.514 người, trong đó số lao động người DTTS được đào tạo nghề 84.514 người, chiếm 21% tổng số lao động DTTS. Công tác đào tạo nghề đã từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo ra việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân nông thôn nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Đặc biệt, chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho đồng bào DTTS sát với thực tiễn nhu cầu của người học nghề và thị trường lao động. Điển hình như hộ ông Y Dhơn Niê, huyện Cư M’gar, sau khi được cán bộ hướng dẫn về cách trồng nấm, gia đình ông đã mạnh dạn xung phong thí điểm mô hình này.

Với sự hỗ trợ 10 triệu đồng từ Trạm khuyến nông huyện, đầu tháng 9 năm nay, ông đã làm thử 2.000 bịch nấm sò và nấm mèo. Gia đình ông có 7 thành viên, diện tích cà phê ít, lao động nhiều, nên thời gian nhàn rỗi cũng nhiều. Do đó, ông lựa chọn mô hình trồng nấm để tận dụng thời gian nhàn rỗi của mọi người trong gia đình. Ông dự định, nếu mô hình này thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì sẽ chia sẻ kinh nghiệm để các hộ dân khác trong buôn học hỏi, làm theo.

Đến chính sách đặc thù

Cùng với những chính sách chung của Chính phủ, Đắk Lắk còn có các chính sách đặc thù, hỗ trợ đắc lực để các hộ nghèo vươn lên. Đáng chú ý, việc triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với thế mạnh giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương nên được đông đảo bà con hưởng ứng tham gia. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 5 mô hình giảm nghèo cho 260 hộ, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng, gồm các mô hình: liên kết với các doanh nghiệp trồng bông tại huyện Cư M’gar, Buôn Đôn; trồng bắp lai tại huyện Ea Kar; chăn nuôi bò tại M’Drak; nuôi gà thả vườn và trồng mít siêu sớm tại Krông Pak; nuôi gà thả vườn và nuôi ngan Pháp tại Lak. Đến nay, có khoảng 40% hộ tham gia các mô hình đã thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng H'Yu EEban, xã Cuoorr Dăng (huyện Cư M'gar) đã vươn lên thoát nghèo.

Là một địa phương được thụ hưởng mô hình giảm nghèo nói trên, năm 2013, xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) được chọn là địa phương triển khai mô hình trồng mít siêu sớm Thái Lan cho 40 hộ dân ở các buôn Kon Tay, Cư Đrang, Kon Wang, Kon H’ring, với số lượng gần 9.000 cây. Sau hơn 1 năm triển khai, được người dân chăm sóc kỹ lưỡng nên đa số cây giống phát triển tốt. Ông Brek, buôn Kon Wang chia sẻ: “Nhà mình có 4 sào đất vườn, do đất cằn cỗi nên làm gì cũng không hiệu quả, mình chỉ biết trồng điều mà điều mấy năm nay đều mất mùa rớt giá nên thu chẳng được bao nhiêu. Giữa năm 2013, được hỗ trợ giống mít siêu sớm, mình đã xung phong thực hiện và được cán bộ tập huấn kỹ thuật từ khâu đào hố, bỏ phân, làm cỏ và cách chăm sóc đúng quy trình. Nhờ đó, hơn 200 cây mít nhà mình năm nay phát triển nhanh, cao hơn cái đầu mình rồi”. Anh Đặng Hữu Lương, cán bộ giảm nghèo xã Ea Yiêng đánh giá, tuy cây mít chưa cho trái, nhưng đây sẽ là loại cây trồng thích hợp với vùng đất cằn cỗi trên địa hình chủ yếu là đồi núi như Ea Yiêng và hy vọng sẽ là cây thoát nghèo, giúp người dân ổn định cuộc sống.

 In bài viết
Văn bản điều hành