Đăk nông triển khai các biện pháp giảm nghèo bền vững

Mười năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 33,73% cuối năm 2005 xuống còn 26,80% năm 2012. Tuy nhiên hiện tại, Đăk Nông vẫn đang đối diện với nhiều thách thức trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đăk Nông đã ban hành chương trình hành động cụ thể cho giai đoạn 2012-2015.

Vào thời điểm năm 2004 khi mới thành lập, tỉnh Đăk Nông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước tình hình đó, Đăk Nông xác định xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, ngành, địa phương. Chính quyền các cấp phải phối hợp với UBMTTQVN tỉnh đến huyện, thị và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hiện hiệu quả việc giảm nghèo. Thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các buổi họp dân ở các địa phương để cán bộ, nhân dân, các tổ chức kinh tế nâng cao nhận thức, tích cực tham gia đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo. Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối của các cấp, ngành Nghị quyết giảm nghèo đã đi vào cuộc sống và tạo ra hiệu quả trong việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Với việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế thấp nhất hộ nghèo mới và đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước, Nghị quyết giảm nghèo giai đoạn 2007-2010 như một cú hích quan trọng để Đăk Nông tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều giải pháp xóa nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Đăk Nông cho vay ủy thác qua các đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có thêm điều kiện trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Nhờ nguồn vốn vay này đã có trên 50 ngàn lượt lao động hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao như cao su, cà phê..., chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm mới tăng thu nhập cho gia đình và từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.


Cùng với đó là hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nghèo. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể và các huyện, thị xã tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, hội thảo về nông nghiệp thu hút đông đảo người dân tham gia. Các mô hình hiệu quả đã được nhân rộng, góp phần giúp bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Các chương trình, dự án với sự đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước không chỉ hỗ trợ cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo mà còn trang bị cho bà con những kiến thức trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Thông qua chương trình 134 và 135 đến nay có gần 90% xã đã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm; trên 80% số hộ dân đã sử dụng điện sinh hoạt; 100% xã đã có trường lớp kiên cố, không còn trường tranh vách nứa, không còn tình trạng học 3 ca.


Lĩnh vực văn hóa xã hội, sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, y tế được tỉnh quan tâm đúng mức. Lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo phát triển khá toàn diện cả về quy mô, bậc học, ngành học; cơ sở giảng dạy và học tập được tăng cường; chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có những tiến bộ đáng kể. Hiện nay 100% xã, phường có trạm y tế độc lập. Các trạm y tế được trang bị các dụng cụ, thiết bị bảo đảm việc cấp cứu, khám và điều trị bệnh tốt hơn. Ngành y tế cũng đã thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế. Các chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng được triển khai đồng bộ, giúp cho người nghèo tiếp cận dễ dàng các dịch vụ về y tế và hưởng chính sách khám chữa bệnh miễn phí của Nhà nước.


Ngoài ra, người nghèo còn được hỗ trợ dạy nghề từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo. Các nghề được chọn để đào tạo phù hợp với nhu cầu và trình độ học nghề của lao động nông thôn, phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất của người học và nhu cầu tự tạo việc làm tại chỗ. Mặt khác, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cũng được tỉnh Đăk Nông thực hiện đúng quy định. Cùng với Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đăk Nông cũng đã ban hành Nghị quyết về xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Nhờ có chính sách hợp lòng dân, nên đến nay, một số hộ gia đình tuy có khó khăn về kinh tế, nhưng đã nỗ lực tham gia đóng góp ngày công lao động, tận dụng vật liệu tại chỗ, vay mượn thêm để xây dựng nhà ở, mở rộng diện tích sử dụng để nhà cửa được khang trang và đẹp hơn. Từ năm 2008 đến nay tỉnh Đăk Nông đã xây dựng được trên 3.550 căn nhà giúp người nghèo vơi đi nỗi lo vào mỗi mùa mưa bão.


Nhờ các chính sách lồng ghép đồng bộ, hiệu quả, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã đạt được những thành tựu đáng kể. Với mục tiêu phấn đấu hàng năm giảm 3% hộ nghèo, đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 15%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5-6%.


Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả là tiền đề quan trọng để tỉnh Đăk Nông tiến tới xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

Theo Đài PTTH tỉnh


 In bài viết
Văn bản điều hành