Đakrông cam kết thoát nghèo bền vững
Cho đến bây giờ, Đakrông (Quảng Trị) vẫn đang là một trong những huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%. Vì thế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển KT-XH của một huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số này. Để phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh và đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng với mức trung bình của khu vực, thì việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế cho người dân luôn là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trên cơ sở nội dung phương án 39, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn quán triệt nội dung, mục tiêu, yêu cầu của phương án cam kết thoát nghèo bền vững đến tận các hộ của thôn, bản. Theo đó, UBND xã tiến hành xét chọn hộ tham gia, ban hành quyết định thành lập tổ công tác thực hiện phương án, phân công nhiệm vụ đối với cán bộ tham gia hỗ trợ thực hiện mô hình theo cam kết. UBND huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị, cơ quan, UBND các xã, thị trấn quản lý thực hiện các nội dung của phương án một cách phù hợp, đồng thời tập trung lãnh đạo, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện. Căn cứ các chính sách hỗ trợ, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thí điểm 30 hộ thoát nghèo nhanh và bền vững trên cơ sở hỗ trợ 100% giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất nông, lâm nghiệp.
Hộ gia đình ông Hồ Văn Ưn ở khóm Làng Cát, thị trấn Krông Klang là một trong số đó. Chỉ sau 2 năm trồng và chăm sóc, 6 ha cao su của ông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Ưn cho biết: “Được nhà nước hỗ trợ đầy đủ giống, vật tư phân bón, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình cách trồng và chăm sóc nên gia đình tôi triển khai trồng cao su rất thuận lợi, sau 2 năm trồng cao su nay đã lên xanh tốt. Gia đình tôi rất phấn khởi, giờ tiếp tục chăm sóc cho đến lúc thu hoạch”.
Mô hình trồng cao su được huyện Đakrông thực hiện thí điểm tại các xã Hải Phúc, Mò Ó, Triệu Nguyên và thị trấn Krông Klang với tổng diện tích ban đầu là 25 ha. Nhưng thông qua chủ trương phát triển diện tích cao su trên những vùng đất phù hợp, nông dân nhiều xã đã tích cực hưởng ứng và chuyển đổi diện tích một số loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cao su nên chỉ sau 2 năm đến nay tổng diện tích cao su trên địa bàn huyện Đakrông đã đạt 65 ha.
Ngoài phát triển cây cao su, hai năm qua, huyện đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, dụng cụ sản xuất bằng nguồn vốn 30a, chương trình 135 giai đoạn II, nguồn vốn sự nghiệp của UBND huyện với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng cho 30 hộ tại 3 xã Mò Ó, Hướng Hiệp và A Ngo giống gia súc, thuốc thú y, vật liệu làm chuồng trại chăn nuôi, giống cỏ voi trồng phục vụ nuôi bò; hỗ trợ kinh phí trồng 17,5 ha rừng và hỗ trợ sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày.
Tại mỗi mô hình thí điểm, xã, huyện phân công từng cán bộ về tận nơi vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt kế hoạch và quy trình sản xuất. Các hội, đoàn thể huy động hội viên trên địa bàn cùng chung tay giúp đỡ các hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, khai hoang đất sản xuất... Nhờ đó, các hộ nghèo không chỉ được hỗ trợ về vật chất phục vụ sản xuất mà còn được động viên khích lệ về tinh thần nên đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Hộ ông Hồ Văn Phú ở thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp cũng là một trong mười hộ của xã được chọn làm thí điểm mô hình hộ cam kết thoát nghèo bền vững từ giữa năm 2012. Được huyện hỗ trợ kinh phí khai hoang thêm đất trồng trọt nên ông Phú có tổng cộng 2 ha đất trồng màu. Biết tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn kỹ thuật đem vào áp dụng trong sản xuất nên mọi cây trồng đều phát triển tốt hơn trước đây. Kết thúc 2 năm thực hiện mô hình thí điểm, gia đình ông Phú thu được hơn 166 triệu đồng từ trồng trọt, trong đó sắn thu được 58 triệu đồng, ngô hơn 39 triệu đồng và lạc 69 triệu đồng. Ngoài trồng trọt, gia đình ông Phú còn tận dụng nuôi thêm gà, lợn có thêm thu nhập mỗi năm hơn 15 triệu đồng. Nếu toán sòng phẳng chi phí sản xuất thì ông Phú lãi được hơn 60 triệu đồng/năm nhưng nhờ có sự hỗ trợ của huyện nên phần lớn số thu trên gia đình ông Phú được hưởng. Niềm vui thoát nghèo đang hiện hữu như tiếp thêm sức mạnh cho gia đình ông Phú phấn đấu vươn lên làm giàu.
Kết quả sản xuất từ các mô hình thoát nghèo ở Đakrông đang có sức lan tỏa mạnh. Các hộ dân trong thôn, xã biết học cách sản xuất có kỹ thuật đã tự bỏ vốn đầu tư sản xuất cho hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của đồng bào. Ông Hồ Văn Đang, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đakrông cho biết: Hiệu quả từ các mô hình trình diễn cam kết thoát nghèo không chỉ dừng lại ở quy mô của hộ tham gia mà quan trọng hơn là đã lan rộng ra cộng đồng. Từ công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đến kết quả tại mô hình sản xuất, các hộ trong thôn, xã đều đã nâng cao được kiến thức sản xuất, ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nhờ đó, phong trào phát triển sản xuất tăng cao hơn trước. Kết quả cụ thể của phương án 39 sau 2 năm thực hiện ở xã Hướng Hiệp và Mò Ó có 100% hộ được chọn làm mô hình thí điểm thoát nghèo; ở xã A Ngo có khoảng 70% hộ tham gia mô hình thoát được nghèo.
Từ kết quả thí điểm khả quan đó, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, địa phương là nhân rộng các mô hình ra cộng đồng. Ông Lê Đại Lợi, Trưởng Ban quản lý Dự án giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Đakrông cho biết: Huyện Đakrông đã triển khai tất cả các hợp phần của các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững như hỗ trợ sản xuất tạo việc làm tăng thu nhập, giáo dục, dạy nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng... đã đạt được kết quả bước đầu.
Sau 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện đã có 27.942 hộ vay ưu đãi 362 tỷ 318 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, làm nhà ở, xuất khẩu lao động, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường...; thu nhập bình quân đầu người từ 2,5 triệu đồng năm 2008 lên 7,37 năm 2013; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2009 - 2013 bình quân mỗi năm đạt 16,8%; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2013 giảm xuống còn 30,56% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2016); hạ tầng cơ sở qua 5 năm có 61 công trình thiết yếu được xây dựng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.144 hộ nghèo; xuất khẩu lao động được 339 người. 100% hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ BHYT với 128.121 lượt người được cấp...
Để đẩy mạnh công cuộc XĐGN nhanh và bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Đakrông đã đề ra các giải pháp phù hợp, trong đó đề cao trách nhiệm của các phòng, ban, chính quyền địa phương, khuyến khích sự nỗ lực của người dân. Trên cơ sở các chương trình hành động và nghị quyết dã đề ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển KT- XH; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa giống cây con mới vào sản xuất; phát triển ngành nghề nông thôn; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các hộ nghèo, thực hiện đầy đủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội, các chính sách hỗ trợ để người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách XĐGN, tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, biện pháp để tuyên truyền, giáo dục phù hợp với trình độ, hiểu biết của người dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người nhằm nâng cao nhận thức của người nghèo để họ tự giác vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.