Đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025 các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ

Từ ngày 22-23/11/2019, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo Đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025 các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông và ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Ban Dân tộc, UBND huyện và các Phòng Dân tộc, đại biểu Người có uy tín đại diện cho 07 tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông và ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì Hội thảo

 

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 khu vực duyên hải Nam Trung bộ được triển khai tập trung tại 07 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam. Diện đầu tư thực hiện trên địa bàn là 202 xã (bằng 9,44% so với cả nước) và 204 thôn đặc biệt khó khăn (5,13% so với cả nước). Trong đó, ngân sách trung ương đã đầu tư, hỗ trợ trong 04 năm là 1.264,229 tỷ đồng; ngân sách địa phương, người dân tham gia đóng góp, lồng ghép các nguồn lực với tổng số 226,890 tỷ đồng.

Trong 04 năm triển khai, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, đồng bộ các cơ chế, chính sách của các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, quản lý điều hành hiệu quả Chương trình 135, xây dựng và ban hành các chính sách đặc thù nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho địa bàn khó khăn nhất. Qua đó, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, công trình y tế, công trình giáo dục… đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Cùng với việc triển khai nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh: Từ công tác kiểm tra, đánh giá, có thể thấy một số địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu, cơ chế, nguyên tắc của Chương trình như công tác phân cấp, trao quyền; huy động và lồng ghép các nguồn lực; vận động người dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của Chương trình trong một số công tác như: lập kế hoạch có sự tham gia, đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế đặc thù, hỗ trợ phát triển sinh kế theo cơ chế dự án, thu hồi một phần vốn hỗ trợ và quay vòng trong cộng đồng, cơ chế tạo việc làm công…

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cho biết: Trên cơ sở tham mưu của UBDT, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội “Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi” và “Chương trình MTQG phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 65-KL/TƯ về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng 02 nội dung này.

Hội thảo là dịp để đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về những kết quả đạt được và sự đồng bộ trong triển khai các hoạt động của Chương trình 135; chia sẻ các cách làm hay, những mô hình phù hợp, hiệu quả; chỉ ra được những vướng mắc, tồn tại, những bất cập về cơ chế, nguyên tắc trong quá trình áp dụng thực tiễn tại cơ sở; những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện để triển khai Chương trình theo hướng đơn giản, dễ làm, phát huy vai trò của cộng đồng, tăng cường phân cấp đi đôi với trao quyền nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá các mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế thực hiện, một số mô hình đặc thù của địa phương đã tổ chức, triển khai trong những năm vừa qua và thảo luận kỹ các nội dung đề xuất để triển khai cho giai đoạn tiếp theo.

 

Quang cảnh Hội thảo.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Trong những năm qua, được sự đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng các xã vùng dân tộc đã được đầu tư, phát triển. 100% các xã đều có đường bê tông, được cung cấp điện, nước; mạng lưới y tế được cung cấp rộng rãi, 100% xã có bác sĩ… Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương còn ban hành một số chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS như: hỗ trợ giống nông nghiệp (giống lúa lai năng suất cao, rau sạch…); hỗ trợ chăn nuôi, thú ý; hỗ trợ hộ nghèo, hộ DTTS… Từ đó, đã góp phần giữ gìn và phát huy phong tục tập quán truyền thống, phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc.

Thời gian qua, Bình Định đang quyết tâm xây dựng 01 xã kiểu mẫu vùng đồng bào dân tộc, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, diện tích đất ở, đất sản xuất của mỗi hộ gia đình… Ngoài ra, với những chủ trương quyết liệt như: xây dựng mỗi làng 01 sản phẩm; cử 02 doanh nghiệp hỗ trợ cho 01 làng đồng bào dân tộc… đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong rằng các đại biểu của các tỉnh trong khu vực chia sẻ những bài học kinh nghiệm để cùng thảo luận xây dựng các chính sách hiệu quả cho thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng của người dân, giúp vùng đồng bào DTTS theo kịp sự phát triển KT-XH các vùng khác.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bầy nhiều báo cáo tham luận, phân tích và chia sẻ các kinh nghiệm thực tế triển khai tại địa phương và nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để góp phần xây dựng định hướng triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2021-2025.

 

 In bài viết
Văn bản điều hành