Bên cạnh các chính sách, dự án chung về giảm nghèo như hỗ trợ trực tiếp cho các hộ vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, dạy nghề, xuất khẩu lao động... từ năm 2009, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo bằng các chính sách mang tính đặc thù riêng và theo địa chỉ được xác định cụ thể trong tỉnh, đó là ưu tiên vận dụng cơ chế hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cho 29 xã nghèo và 97 thôn nghèo trong toàn tỉnh (đây là những xã, thôn có tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 30% số hộ trong xã, thôn) và quy định rõ trách nhiệm tỉnh dành ngân sách đầu tư cho các xã nghèo, huyện, thành phố có trách nhiệm đầu tư cho các thôn nghèo, đồng thời vận động các hộ nghèo tại các xã nói trên hàng năm đăng ký thoát nghèo để được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ khác và chỉ dành riêng cho các hộ có đăng ký.Theo đó, đối với các hộ gia đình và lao động có hộ khẩu thường trú tại các xã nghèo thì được UBND tỉnh đầu tư giảm nghèo đến năm 2015 như sau: Hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhận khoán hoặc được giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng được hưởng tiền khoán bảo vệ với mức 200.000đồng/ha/năm; hộ gia đình và cộng đồng dân cư được hỗ trợ một lần 5 triệu đồng/ha để tận dụng tạo đất sản xuất trong khu vực đất rừng nhận khoán, chăm sóc bảo vệ nếu đủ điều kiện sản xuất lương thực và một số cây trồng ngắn ngày khác; hộ gia đình được giao, khoán đất lâm nghiệp (theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ) để trồng rừng sản xuất, trồng cây cao su trên diện tích được giao, khoán. Được hỗ trợ mua cây giống, phân bón và công chăm sóc với mức 5 triệu đồng /ha (nhưng không quá 2 ha); được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ hai và 1 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ ba; đối với diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp nhưng không có khả năng trồng cây nông nghiệp (đất xấu, cằn cỗi, độ dốc cao) chuyển sang trồng cây lâm nghiệp thì hộ gia đình cũng được hỗ trợ như định mức trồng rừng sản xuất; hộ gia đình được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích được giao.
Đối với các hộ nghèo có đăng ký thoát nghèo hàng năm thì được hỗ trợ thêm bằng các chính sách sau: Hộ có đất sản xuất dưới 1 ha được hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hoá đủ 1 ha đất sản xuất nông nghiệp để trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc và một số cây trồng khác, được hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ khai hoang 10 triệu đồng/ha, hỗ trợ phục hoá 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ thâm canh và chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên đất nông nghiệp một lần 10 triệu đồng/ha (diện tích được hỗ trợ không quá 2 ha/hộ) để mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, công cụ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; hộ không có đất sản xuất nông nghiệp hoặc không nhận khoán chăm sóc quản lý bảo vệ rừng được hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/hộ để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua giống vật nuôi, làm chuồng trại; được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất với mức vay tối đa 5 triệu đồng/hộ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 2 năm để mua gia súc, gia cầm hoặc nuôi trồng thuỷ sản, đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân địa phương.
Trên cơ sở các chính sách của tỉnh, UBND xã chỉ đạo và hướng dẫn các thôn lập danh sách đăng ký thoát nghèo theo từng hộ trên cơ sở bình xét công khai và phù hợp với nhu cầu, khả năng thực tế về lao động, đất đai của từng hộ, ưu tiên cho hộ nghèo là đồng bào DTTS, hộ có hoàn cảnh khó khăn được bình xét trước và gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để lập kế hoạch thực hiện và kiểm tra giám sát, đánh giá hàng năm.
Từ những chính sách mang tính đặc thù, ưu tiên đầu tư theo địa chỉ cụ thể nêu trên, hàng năm đã đem lại kết quả giảm nghèo đáng kể ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn góp phần vào thành tích giảm nghèo chung của tỉnh. Năm 2012, tại 29 xã nghèo đã được tỉnh đầu tư 27.721 triệu đồng, tổng số hộ được nhận hỗ trợ các hạng mục đầu tư là 4.326 hộ. Trong đó, hỗ trợ trồng rừng được 116 ha, chăm sóc rừng trồng 36 ha, khai hoang phục hoá 92 ha, thâm canh chuyển đổi cây trồng 1.656 ha, hỗ trợ vật nuôi cho 880 hộ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 40 hộ, hỗ trợ cho 96 hộ đồng bào DTTS trồng cây cao su... Bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 61 triệu đồng. Trong năm 2012, có 2.135 hộ đăng ký thoát nghèo (bình quân mỗi xã nghèo có 74 hộ) đến cuối năm 2012 giảm được 2.069 hộ nghèo, bằng 86,9% hộ đăng ký thoát nghèo.
Đối với 97 thôn nghèo, các huyện, thành phố đầu tư 14.286 triệu đồng, bình quân mỗi thôn đã được hỗ trợ 130 triệu đồng cho sản xuất, riêng thành phố Bảo Lộc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 15 thôn đồng bào DTTS với kinh phí 6 tỉ đồng; Tổng số hộ tại các thôn được hỗ trợ sản xuất là 3.743 hộ. Trong đó, hỗ trợ thâm canh chuyển đổi cây trồng được 73 ha, hỗ trợ vật nuôi cho 50 hộ; bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 2,2 triệu đồng.
Trong ba năm qua, nhờ lồng ghép các chính sách giảm nghèo của Chính phủ và chính sách đầu tư giảm nghèo có địa chỉ, Lâm Đồng đã duy trì được tỉ lệ giảm nghèo hàng năm từ 3-4%, trong đó vùng đồng bào DTTS giảm được từ 7-8%,(vượt chỉ tiêu giảm nghèo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra). Có thể nói đầu tư có địa chỉ để giảm nghèo đang thực hiện ở Lâm Đồng là một chính sách đúng đắn, cách làm phù hợp với hoàn cảnh hộ nghèo cũng như điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực.
( Theo baolamdong.vn)
[TT: LPM]