Đầu tư đúng mục tiêu, đối tượng đã đem lại nhiều hiệu quả

Cuộc sống ấm no của bà con Khmer xã Phú Tâm (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) có được như hôm nay là thành quả rất lớn sau nhiều năm thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng có đông người dân tộc sinh sống.

Phú Tâm là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 Chính phủ, có 39% là người dân tộc Khmer. So với một số xã trong huyện đất đai Phú Tâm, trước đây là đất giồng pha cát, phèn nặng, bà con nơi này chỉ sản xuất lúa mùa năng suất rất bếp bênh do sử dụng nước trời là chủ yếu, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm khá cao trên 50%. Những năm qua từ nguồn vốn Chương trình 135, vốn lồng ghép, nhân dân đóng góp, Phú Tâm đã triển khai đầu tư xây dựng hơn 18 công trình với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng. Đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn Phú Tâm còn thực hiện khá tốt chính sách trợ giá trợ cước, hỗ trợ đời sống phát triển sản xuất đã phối hợp lồng ghép nhiều dự án trên địa bàn, nhằm đẩy mạnh phong trào chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình, khai thác tiềm năng đất đai, sức lao động, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, sản xuất. Song song đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân tộc nghèo đang bức xúc về nhà ở được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Chỉ riêng từ nguồn vốn Chương trình 134 Phú Tâm đã xây dựng và bàn giao 295 căn nhà, hỗ trợ lu chứa nước sạch, khoan giếng nước ngầm với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng.

Ông Dương Quang Trung, chủ tịch UBND xã cho biết: "Đến nay, 70% đường giao thông ở Phú Tâm chạy được xe 4 bánh thông suốt 2 mùa mưa nắng, số hộ đói không còn, hộ nghèo giảm dần theo từng năm, hiện chỉ còn 14%, số hộ khá giàu tăng lên từng năm (chiếm gần 30%), có trên 75% hộ Khmer được công nhận là gia đình văn hóa, có 85% hộ có điện sử dụng, 76% hộ có nước sạch sử dụng. Chương trình 135 ở Phú Tâm đã đầu tư đúng mục tiêu, đúng đối tượng, các công trình cơ bản phát huy hiệu quả đi nhanh vào đời sống của người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng có đông bà con Khmer sinh sống, đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân tộc, tạo điều kiện phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống. Ông Mã Ngọc Phước, ở ấp Phú Thành A cho biết thêm: "Đảng, nhà nước lo cho đồng bào người dân tộc nhiều lắm như xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống vật nuôi cây trồng mà còn hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất đạt rất cao, hiệu quả và thu nhập tăng lên thấy rõ, đời sống văn hóa tinh thần của bà con từng bước được nâng lên, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy".

Các chương trình dự án đã thực sự làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt làng quê, bà con Khmer nơi đây càng tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, càng phấn khởi thi đua lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng phum, sóc ngày càng thêm tươi đẹp.

Phương Nghi
(Theo: Xóa đói giảm nghèo chuyên đề DTTS, số 07/2009)

[TT: N.T.V]

 In bài viết
Văn bản điều hành