Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bảo Lâm

Bảo Lâm là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với 7.888 hộ/33.817 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ gần 30% dân số của toàn huyện. Trong những năm chiến tranh, nhiều vùng đồng bào DTTS của huyện Bảo Lâm là vùng căn cứ cách mạng và đồng bào DTTS nơi đây đã có công giúp đỡ, chở che cán bộ, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2014, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Bảo Lâm đã chú trọng đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS của huyện và đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Xuất phát từ tình hình thực tế tại các vùng đồng bào DTTS đại đa số bà con có trình độ dân trí và kinh nghiệm sản xuất hạn chế, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ…, nên Huyện ủy - UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo, mặt khác, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong năm 2014, bằng nguồn vốn của Chương trình 135 gần 9 tỷ đồng, Bảo Lâm đã đầu tư xây dựng 12 tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn 6 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); duy tu bảo dưỡng đường GTNT ở thôn 2, xã B’Lá và thực hiện 9 dự án phát triển sản xuất tại 5 xã khu vực III, 1 xã An toàn khu, với tổng vốn đầu tư 2,250 tỷ đồng. Từ đó, tạo điều kiện cho 1.149 hộ nghèo, 81 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào DTTS được hưởng lợi trực tiếp. Cũng từ nguồn vốn của Chương trình 134 và vốn đối ứng của ngân sách tỉnh, năm 2014, huyện Bảo Lâm đã đầu tư 1,244 tỷ đồng, làm giếng khoan cung cấp nước sạch sạch sinh hoạt ở thôn 2, xã Lộc Tân và thôn 16, xã Lộc Thành.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 20/4/2013, huyện Bảo Lâm kịp thời triển khai đầu tư vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, huyện đã đầu tư 4 tỷ đồng cho 4 xã vùng đồng bào DTTS Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Nam hỗ trợ cây giống cà phê ghép, phân bón, kỹ thuật thâm canh, quản lý sản phẩm sau thu hoạch cho 381 hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS để đăng ký thoát nghèo. Cùng với đó, huyện giao trách nhiệm cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, Lộc Bảo hợp đồng trồng mới và chăm sóc rừng trồng năm 2, năm 3 cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS tại 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, với tổng vốn đầu tư 734, 220 triệu đồng. Mặt khác, ngành lâm nghiệp của huyện cũng đã tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ (QLBV) rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường với tổng diện tích 49.530ha rừng các loại cho 3 tập thể, 1 cộng đồng dân cư và 2.844 hộ dân, trong đó có 2.554 hộ đồng bào DTTS. Huyện cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cây giống để tiến hành tái canh 2.160ha cà phê, nâng tổng diện tích đã được chuyển đổi, tái canh toàn huyện lên 15.910ha và chuyển đổi, trồng mới 570ha chè, nâng tổng diện tích chè giống mới toàn huyện lên 5.970ha (trong đó có một phần khá lớn là diện tích của các hộ đồng bào DTTS). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái canh cà phê, chè đã giúp đồng bào DTTS nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, giúp đồng bào nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống. Cùng với việc thực hiện Quyết định số 20/2013, huyện Bảo Lâm cũng đã triển khai thực hiện Văn bản số 773/UBND - TKCT ngày 17/12/2013 của UBND tỉnh về việc bố trí việc làm cho con em đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo. Trong năm, huyện đã bố trí việc làm cho 4 sinh viên ra trường về làm việc tại các phòng ban chuyên môn của huyện. Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nhiều lao động là người DTTS. Từ các lớp đào tạo nghề này, một số lao động nông thôn có điều kiện làm việc ở nước ngoài, một số tìm được công ăn việc làm trong nước, trong tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, để xóa nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm, thiết chế văn hóa cơ sở trong vùng đồng bào DTTS cũng được huyện Bảo Lâm quan tâm đầu tư đúng mức, nên đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập, vui chơi giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS của huyện.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Thảo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm: Trong việc đầu tư vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại một số bất cập, đó là: Thực hiện Quyết định 1366/QĐ-TTg và Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ cho hộ nghèo đồng bào DTTS ở khu vực II, III quá nhỏ. Do đó, không nên hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS, mà nên dồn đầu tư xây dựng hạng mục, công trình phục vụ phát triển KT-XH sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Mặt khác, mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực giải quyết việc làm, nhưng thực tế hiện nay có nhiều học sinh DTTS tốt nghiệp ra trường chưa có công ăn việc làm, vừa gây lãng phí ngân sách đầu tư, vừa gây bức xúc trong cộng đồng bà con DTTS. Do đó, cần có sự quan tâm tháo gỡ từ phía nhà nước và địa phương.

 In bài viết
Văn bản điều hành