Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo lộ trình đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 (Đề án 1956) đã đi được hơn nửa chặng đường, đã có hàng chục nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề.

Qua đó, giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai ở một số địa phương vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi trong thời gian tới cần sự quan tâm đúng mức của cả hệ thống chính trị.

ĐÃ CÓ MÔ HÌNH VÀ CÁCH DẠY NGHỀ HIỆU QUẢ

Trong chuyến công tác lên Lục Khu (Hà Quảng) gần đây, chúng tôi tình cờ được chứng kiến và tham dự một buổi thực hành cách nhận biết các nhãn lọ thuốc, các thông số, ký hiệu ghi trên nhãn thuốc thú y của một lớp dạy nghề về chăn nuôi thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hà Quảng tổ chức. Anh Lý Văn Dé, dân tộc Mông, xóm Chàng Đỉ, xã Thượng Thôn vui vẻ nói: Tôi tham gia lớp chăn nuôi thú y này được hơn 1 tháng, tôi thấy lớp học rất thiết thực với những người vùng Lục Khu như chúng tôi, vì ở đây chúng tôi chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây chưa được học, chúng tôi cứ chăn nuôi theo kinh nghiệm, khi gia súc ốm chỉ biết chữa theo các bài thuốc dân gian, nhiều khi không hiệu quả vì bây giờ có nhiều loại bệnh mới. Qua lớp này tôi mới biết được cách chăm sóc trâu, bò, cách sử dụng thuốc phòng bệnh... Còn anh Hoàng Văn Thiết, khuyến nông viên xóm Tổng Cáng, xã Thượng Thôn cho biết, tham gia lớp học này ngoài trang bị kiến thức cho chính bản thân mình, anh còn học về để tuyên truyền hướng dẫn cho bà con trong xóm, vì nhiều người không có điều kiện tham gia lớp học này. Anh Thiết chia sẻ: Cả xóm tôi từ trước đến nay chỉ canh tác cây ngô, lạc và chăn nuôi gia súc, trong đó, nuôi trâu, bò vỗ béo và lợn đen là hướng đi của bà con trong xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, khi huyện, xã tổ chức lớp dạy nghề này tôi thấy rất thiết thực với đồng bào Lục Khu.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Hà Quảng Vương Văn Dỉn cho biết: Theo kế hoạch của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, việc tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đều dựa trên sự khảo sát, nắm rõ nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn huyện, từ đó mới mở các lớp để đảm bảo sát với yêu cầu của người lao động và khi các lớp được mở ra, thì những người làm công tác chuyên môn như chúng tôi được trung tâm mời làm thầy giáo trực tiếp đứng lớp giảng dạy và “cầm tay chỉ việc” cho học viên.

Thực tế cho thấy, nơi nào chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo thì người lao động có cơ hội học nghề theo đúng nhu cầu của mình và phát triển kinh tế tại địa phương. Tại các lớp học nghề, các học viên sau khi học lý thuyết sẽ được đào tạo mở rộng bằng cách kết hợp với nhiều mô hình thực tế, giúp họ có điều kiện áp dụng vào sản xuất một cách có hệ thống, nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Anh Hoàng Văn Tâm, xóm Khuôn Nộc, xã Minh Tâm (Nguyên Bình) được tham gia mô hình đào tạo nghề nuôi dê do tỉnh thực hiện tại xã. Sau khi hoàn thành khóa học anh đã áp dụng vào thực tiễn, mua dê về chăn nuôi, từ đó gia đình anh đã có được một khoản thu nhập khá ngoài trồng ngô, lúa. Anh Tâm chia sẻ: Từ mô hình đào tạo nghề nuôi dê, nhiều người dân trong xã đã biết cách chăm sóc, đồng thời bà con cũng nhận thấy điều kiện ở đây phù hợp với nuôi dê nên đã nhân rộng mô hình. Hiện cả xã có trên 600 con dê, tăng hơn 500 con so với năm 2011, cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm... Hay như chị Nông Thị Thắm ở xóm Khuổi Đăm, xã Kim Đồng (Thạch An) cho biết, gia đình chị chủ yếu sống dựa vào đồng ruộng và chăn nuôi. Tuy vậy, những kinh nghiệm vốn có không mang lại năng suất cao. Chị may mắn được tham gia mô hình dạy nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn được mở tại xã. Tại đây, chị đã được bổ sung nhiều kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh cho lợn… Vừa học chị vừa áp dụng những kỹ thuật đó vào việc chăn nuôi của gia đình. Đến nay, gia đình chị luôn duy trì 10 - 20 con lợn thịt, thu nhập ổn định 40 - 50 triệu đồng/năm.

NHƯNG VẪN CẦN SỰ QUAN TÂM CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Hiệu quả cách làm sáng tạo ở một số địa phương và các mô hình đào tạo nghề đã có, nhưng con số này không nhiều và chưa được nhân rộng. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 - 2016, toàn tỉnh đào tạo nghề lao động nông thôn được 37.781 người, trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 17.215. Tuy nhiên, việc học nghề này tại một số địa phương chưa tập trung và chưa sát với thực tế, không đúng theo nhu cầu cần thiết của người dân. Một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân chỉ đi học nghề như là một phong trào, thậm chí họ chỉ đến học cho có danh sách, được ghi tên và chờ tiền trợ cấp hoặc do chương trình đào tạo chưa sát với thực tế dẫn đến việc học nghề chưa thực sự có hiệu quả. Điều này thể hiện ở con số trong 37.781 người được học nghề thì có tới 17.955 người học nghề phi nông nghiệp, trong khi đó tỉnh ta là một tỉnh dân số chiếm trên 90% là làm nghề nông nghiệp. Số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề là 27.548 người, trong đó chỉ có 757 người được doanh nghiệp tuyển dụng, còn lại là tự tạo việc làm. Còn về mô hình đào tạo nghề, trong 7 năm toàn tỉnh chỉ thực hiện được 6 mô hình đào tạo nghề: trồng và chăm sóc quýt, chăn nuôi lợn, trồng thuốc lá, trồng mía xuất khẩu, chăn nuôi dê, sửa chữa và lắp đặt điện, với số học viên tham gia gần 300 người. Tuy nhiên, các mô hình cũng chỉ được nhân rộng trong phạm vi xóm, xã thực hiện mô hình, riêng mô hình sửa chữa và lắp đặt điện được tổ chức tại huyện Phục Hòa không nhân rộng được. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là cơ hội "vàng” giúp người lao động được học nghề và có việc làm mới, có thu nhập. Theo dự kiến kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2017 - 2020 toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 27.000 lao động nông thôn. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, nhạy bén và thiết thực trong đào tạo để vừa hoàn thành mục tiêu, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, để người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Minh Trần, chủ trương của tỉnh hiện nay trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đồng thời gắn với giải quyết việc làm. Vì vậy, thời gian tới phải tìm cách thức đào tạo nghề, nhóm nghề nào để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, gắn với định hướng của địa phương và nhu cầu của người học. Với đặc điểm của tỉnh là phát triển nông nghiệp thì trong những năm gần đây, học nghề nông nghiệp vẫn được người dân quan tâm thế nhưng phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Nhận thức đúng về đào tạo nghề cho nông dân là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, nâng cao chất lượng, năng suất lao động; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm của cấp ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội…, thì ở đó công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả mong muốn. Còn đối với nghề phi nông nghiệp thì cần đào tạo những ngành nghề phục vụ các khu công nghiệp và có thể tham gia trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Điều này đòi hỏi các trung tâm dạy nghề cần tăng cường tìm hướng liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh để vừa đào tạo nghề vừa giải quyết việc làm cho học viên. Nếu làm được vậy thì mục tiêu tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề tối thiểu là 80% trở lên mới đạt.

 In bài viết
Văn bản điều hành