Để cây càphê phát triển trên vùng cao Lạc Sơn
Từ năm 2007, Công ty cổ phần Càphê Thái Hòa triển khai Dự án phát triển vùng nguyên liệu càphê tại các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) theo hình thức nông dân dùng đất góp cổ phần. Đây là mô hình thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện liên kết “4 nhà”, giúp việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả hơn.
Chúng tôi đến xã Ngọc Lâu đúng lúc cuộc họp giữa lãnh đạo Công ty Thái Hòa với đội ngũ cán bộ cốt cán của xã đang diễn ra sôi nổi. Các ý kiến đều ủng hộ chủ trương của công ty nhưng vẫn còn băn khoăn vì chưa hiểu rõ về “cổ phần hóa”. Giám đốc Ngô Thanh Hùng giải đáp rõ từng thắc mắc của bà con: “Cổ phần hóa là mọi người cùng góp vốn vào công ty để trồng càphê. Công ty bỏ vốn đầu tư cây giống, phân bón (khoảng 80 triệu đồng/ha), kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Người dân sau khi góp đất sẽ là thành viên của công ty, được hưởng các chế độ theo quy định, được bố trí làm việc theo khả năng của từng người”.
Được biết, để chuẩn bị cho việc cổ phần hóa, từ năm 2008, Công ty Thái Hòa đã thuê đất của địa phương và trồng được gần 150ha càphê giống Catimo F7. Kết quả ban đầu rất khả quan, cây càphê chưa đầy một năm đã cao gần 1m. Dự kiến năm 2010 sẽ cho thu hoạch lứa đầu, năng suất có thể đạt 5 - 8 tấn/ha.
Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu Bùi Trọng Tây, thổ nhưỡng, khí hậu các xã vùng cao Lạc Sơn hợp với cây càphê. Trước mắt Ngọc Lâu sẽ chuyển hơn 200ha đất đồi, rừng nghèo sang trồng càphê theo hình thức góp vốn cổ phần vào Công ty Thái Hòa.
Việc triển khai dự án ở các xã Ngọc Sơn, Tân Mỹ cũng sôi động không kém. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn càphê đang bén rễ hồi xanh, ông trưởng xóm Bói (xã Ngọc Sơn) Bùi Văn Phanh cho biết, đã có 47 hộ dân trong xóm góp 13ha đất vào công ty để trồng càphê.
Đây là mô hình mới nên Công ty Thái Hòa cũng như người dân không khỏi lúng túng trong trình tự, thủ tục khi thực hiện góp vốn cổ phần bằng đất. Vì vậy các cấp chính quyền và các ngành chức năng ở Hòa Bình cần sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm tính pháp lý, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và nông dân trong hình thức cổ phần còn mới này, tạo điều kiện cho cây càphê phát triển bền vững trên vùng cao Lạc Sơn.
Ngoc Oanh - Thanh Hà
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
[TT: H.T.N]