Điểm sáng Gò Nổi

Tôi về thăm Gò Nổi (gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn - Quảng Nam), mảnh đất địa linh nhân kiệt vào một ngày giữa tháng 6/2009. Chỉ thời gian ngắn mà nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Dọc tuyến tỉnh lộ 610B là những ngôi trường khang trang, hàng trăm căn nhà cao tầng còn thơm mùi vôi mới, những hàng quán tấp nập người mua, kẻ bán.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang tựa như một tấm áo rách tả tơi. Làng mạc tiêu điều, ruộng vườn hoang hóa.

Khoảng 10 năm trở lại đây, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhiều phía, chính quyền và người dân Gò Nổi đã dốc toàn lực để nhanh chóng vực dậy vùng quê nghèo khó này.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, 8 năm qua, ngoài việc chuyển 160ha đất lúa từ sản xuất 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ/năm, địa phương còn chú trọng du nhập những giống mới có chất lượng cao để đưa vào canh tác đại trà, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân... nên năng suất lúa liên tục tăng. Nếu năm 2002, năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 40 tạ/ha thì nay tăng lên 70 tạ/ha. Để có nguồn nước phục vụ sản xuất, nông dân đã bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để thủy lợi hóa hơn 500ha đất màu...

Không chỉ trồng trọt, thời gian qua, Điện Quang cũng phát triển được hàng trăm mô hình chăn nuôi bò đàn chất lượng cao với quy mô mỗi trang trại từ 25 – 40 con...

Không “thua chị kém em”, 6 năm qua, nông dân Điện Trung và Điện Phong nỗ lực rất lớn để tạo dựng một nền nông nghiệp với bộ mặt mới. Ngoài hàng trăm trang trại chăn nuôi cho giá trị 80 – 150 triệu đồng/năm, cả nghìn hecta đất màu cũng đem về cho người dân ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo lãnh đạo những địa phương trên, nếu năm 2004, tỷ lệ hộ đói nghèo của cả vùng là hơn 31% thì nay chỉ dao động trong khoảng 9-11%. Gò Nổi đã có 95% nhà dân được đầu tư xây dựng. Tại 3 xã này, tất cả 11 ngôi trường đều được “tầng hóa”, trông rất khang trang, sạch sẽ, hơn 2/3 số trường đã đạt chuẩn quốc gia.

Mừng hơn, cả 3 trạm y tế xã đều đã xây dựng bề thế, giường bệnh, trang thiết bị được đầu tư đúng mức, đội ngũ y – bác sĩ có nghiệp vụ chuyên môn. Bình quân mỗi năm, có khoảng 60.000 lượt người được khám và điều trị.

Mấy năm gần đây, tại Gò Nổi, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đông đảo nhân dân tham gia thực hiện. Đến nay, 85% số hộ dân được công nhận đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, cuộc sống mới đang thực sự về với nơi này.

Mai Nhi
(Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành