Điện Biên: Gần 948 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a
Điện Biên là tỉnh nằm ở khu vực Tây Bắc, với 5 huyện nghèo nằm trong diện hưởng thụ Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đến nay, sau 6 năm triển khai thực hiện,diện mạo nông thôn tại các huyện nghèo đã có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện, nền kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 năm, từ 2009 - 2014, tỉnh
đã tiếp nhận từ Trung ương gần 948 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a. Trong đó,
vốn đầu tư phát triển trên 732 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 215,9 tỷ đồng. Đến hết năm
2014, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển được hơn 694 tỷ đồng, đạt 94,9% kế
hoạch vốn giao và trích ngân sách hơn 283 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết. Trong đó,
huyện Điện Biên Đông: 72,5 tỷ đồng; huyện Mường Ảng: 46,3 tỷ đồng; huyện Tủa
Chùa: 71,7 tỷ đồng; huyện Mường Nhé: 86,4 tỷ đồng; huyện Nậm Pồ: 6 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đã lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình
dự án khác gần 1,66 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất tại các
huyện 30a. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (được Chính phủ giao hỗ
trợ 5 huyện nghèo) và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ các
huyện nghèo trên 251,7 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng các công
trình giao thông, trường học… Đồng hành cùng Chương trình 30a, từ năm 2009 đến
năm 2014, Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện nghèo đã giải ngân cho 13.103 hộ
nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi (với lãi suất 0%) gần 79,7 tỷ đồng. Trong đó tập
trung vào một số chương trình cho vay như: hộ nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia
đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn…
Bằng nguồn vốn 30a, những năm qua, các huyện được thụ hưởng
đã xây dựng được 134 công trình hạ tầng nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo
nông thôn miền núi, đời sống của người dân từng bước nâng cao. Theo kết quả điều
tra, đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 5 huyện 30a của tỉnh còn
trung bình 47,16% (giảm 23,28%), bình quân mỗi năm giảm 5,82% (đạt 145,5% so với
mục tiêu Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ là giảm bình quân 4%/năm).
Các công trình được đầu tư xây dựng tại các huyện nghèo đã và
đang mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ lợi ích trực tiếp cho đời sống của
nhân dân: từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; nâng
cao dân trí, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Qua đó, bộ mặt nông thôn
vùng cao, biên giới đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, các công trình thủy lợi được xây
dựng đã giúp người dân thực hiện hiệu quả công tác khai hoang, phục hóa, tạo
ruộng bậc thang trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn vốn từ hợp phần hỗ trợ sản
xuất nông nghiệp đã hỗ trợ cây trồng, vật nuôi,giúp người dân khai hoang, triển
khai các mô hình trình diễn như: mô hình thâm canh lúa đông xuân; mô hình khoai
tây; mô hình thí điểm thâm canh cây thảo quả; mô hình chăn nuôi vịt bầu theo
hướng an toàn sinh học... với hàng nghìn hộ tham gia đã góp phần quan trọng giúp
người dân áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả cây
trồng, vật nuôi.
Việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn từ Nghị quyết 30a đã
giúp diện mạo nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới tại huyện nghèo
của tỉnh có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Nguồn vốn Nghị quyết 30a/CP đã và đang tạo ra các vùng chuyên canh cây cà phê,
dong riềng, mắc ca ở huyện Mường Ảng; ngô, đậu tương ở huyện Tủa Chùa... góp
phần quan trọng giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn.